Tiền gửi của dân cư vào ngân hàng lập đỉnh mới

14:08' - 03/10/2024
BNEWS Tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đã chạm mức 6,838 triệu tỷ đồng, đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay. 
Theo số liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 7/2024, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đã chạm mức 6,838 triệu tỷ đồng, đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng lại có dấu hiệu giảm nhẹ.

Cụ thể, số liệu cho thấy tiền gửi của dân cư đã tăng thêm 305.672 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương mức tăng trưởng 4,68%. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiền gửi tăng thêm 448.820 tỷ đồng.

Dù lãi suất huy động có thời điểm giảm mạnh và duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, nhưng tiền gửi của dân cư trong hơn 2 năm qua vẫn tăng trưởng ổn định. Theo các chuyên gia, thực tế này đang phản ánh sự thận trọng của người dân trước những bất ổn kinh tế và các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản.

 
Bên cạnh đó, từ tháng 4/2024, lãi suất huy động bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ, góp phần thu hút dòng vốn của người dân vào kênh tiền gửi ngân hàng. Điều này cho thấy người dân vẫn ưa chuộng gửi tiền ngân hàng như một phương tiện bảo toàn vốn trước các biến động thị trường và các rủi ro khó lường.

Trái ngược với xu hướng tăng mạnh của tiền gửi dân cư, tiền gửi của các tổ chức doanh nghiệp tại ngân hàng lại giảm 1,07% so với cuối năm 2023, chỉ còn 6,768 triệu tỷ đồng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang chuyển dịch vốn sang các kênh đầu tư khác thay vì tập trung tiền vào ngân hàng. Các chuyên gia nhận định rằng sự dịch chuyển này có thể là do các doanh nghiệp muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn thông qua các kênh đầu tư mới, thay vì giữ vốn trong ngân hàng với lãi suất thấp.

Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng tăng lãi suất có thể khó tiếp diễn trong các tháng còn lại của năm 2024 và sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

VCBS dự báo rằng đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động có khả năng sẽ duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ vào cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi các yếu tố bất thường như thiên tai. Nhóm ngân hàng này có nguồn vốn huy động dồi dào và chi phí vốn thấp, nên không chịu áp lực phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi.

Ngược lại, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có thể vẫn chịu áp lực tăng nhẹ lãi suất huy động nhằm đảm bảo đủ vốn cho tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng có cơ cấu huy động vốn không linh hoạt, phụ thuộc nhiều vào tiền gửi của khách hàng, sẽ phải duy trì mức lãi suất hấp dẫn hơn để cạnh tranh và thu hút dòng vốn.

Trên thực tế, đà tăng lãi suất huy động gần đây đang có dấu hiệu dần hạ nhiệt. Ghi nhận trong những ngày đầu tháng 10 này, lãi suất huy động tại hầu hết các ngân hàng đều không có thay đổi so với biểu lãi suất niêm yết vào tháng 9.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục