Tiếp cận tín dụng: Ngân hàng và doanh nghiệp cần "tiếng nói chung"

15:53' - 09/10/2023
BNEWS Để đạt được định hướng tín dụng cả năm khoảng 14 - 15% như Ngân hàng Nhà nước đề ra vào đầu năm đang là một thách thức, được coi là khó có thể thành hiện thực.
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước liên tục tổ chức các hội nghị kết nối với các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành trên cả nước với mục tiêu đồng hành tìm giải pháp để ngân hàng và doanh nghiệp có "tiếng nói chung" trong vấn đề tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên để đạt được định hướng tín dụng cả năm khoảng 14 - 15% như Ngân hàng Nhà nước đề ra vào đầu năm đang là một thách thức, được coi là khó có thể thành hiện thực.

Tín dụng ngân hàng là một kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam khi tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam năm 2022 đạt mức 125,34%, nhất là trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trải qua những khó khăn nhất định, khiến kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển tương xứng với vai trò và vị thế, áp lực vốn trong nền kinh tế vẫn được đặt phần lớn trên vai của hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua tín dụng ngân hàng.

Ngay từ khi tăng trưởng quý I/2023 được công bố với mức tăng trưởng giảm tốc đáng kể, trên cơ sở dự báo tình hình lạm phát có khả năng được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn... Đến cuối tháng 8/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt như bất động sản; một số mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, thuỷ sản, cà phê…

Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Hiện đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình và đã thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng, cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

 
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng nhằm giúp các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, số hóa nhiều nghiệp vụ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm bốn lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm, phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng để kêu gọi các tổ chức hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay có dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%.

Có thể nhận thấy, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 với các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,6% trong quý IV/2023 và tăng 12,3% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo 12,5% tại kỳ điều tra trước.

Như vậy, nếu tăng trưởng tín dụng đạt 4,6% trong quý IV như kỳ vọng thì dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cả năm mới chỉ đạt 11,52%.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã phải thừa nhận tín dụng vẫn tăng chậm hơn năm ngoái, điều này do rất nhiều nguyên nhân rất cần được phân tích, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên ngân khiến tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ, nên không có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều doanh nghiệp rất cần vốn, nhưng không đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm bất động sản… điều này khiến cho dòng chảy tín dụng từ ngân hàng và doanh nghiệp chưa gặp được nhau.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Thảo Phát (Hyundai Bắc Ninh) cho biết, tài sản thế chấp, lãi suất vay vốn cao và thủ tục nhiều nấc vẫn là rào cản lớn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận tín dụng. Các tổ chức tín dụng thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến thiếu cơ sở cho các tổ chức tín dụng ra quyết định cho vay.

Do vậy, bà Nguyễn Thị Bích Hồng kiến nghị, cần xây dựng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường.  Đồng thời, giảm lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp hiện tại, đưa các gói hỗ trợ lãi suất đến đúng đối tượng và hạn chế tối đa các rủi ro, cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngân hàng trực tiếp cho vay gói tín dụng/Ngân hàng Nhà nước/đối tượng thụ hưởng.

Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, cần tăng cường các giải pháp bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề làm thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã xác định cần đẩy mạnh việc tăng nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp giải thể để giúp họ sớm khôi phục kinh tế, nhất là sau 2 năm chống dịch cộng với tác động kép từ ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và trong nước.

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tạo thanh khoản, dư địa cho tổ chức tín dụng, không có câu chuyện thiếu room tín dụng cũng như các ngân hàng thương mại rất thoải mái nguồn lực cho vay. Ngân hàng sử dụng công cụ để tạo nguồn lực, hạ lãi suất để đầu vào của doanh nghiệp được giảm thấp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường tín dụng, tăng cường có các chính sách xã hội và chính sách tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng… Đây là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy được nhu cầu tiêu dùng, từ đó sẽ tăng được tỷ lệ tín dụng…

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho rằng phải có các giải pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, các ngân hàng tiếp tục phát hành trái phiếu nếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn; tham gia với tư cách là nhà đầu tư vào các trái phiếu của doanh nghiệp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang duy trì 4 tổ chức tín dụng với số trái phiếu trên 231 nghìn tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú hy vọng trong 3 tháng cuối năm, theo thông lệ tín dụng sẽ tăng nhanh lên. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục