Tp. Hồ Chí Minh tìm giải pháp cân bằng cung - cầu tín dụng cuối năm
Đây là những nguyên nhân chính khiến tín dụng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tăng trưởng khá thấp trong 9 tháng năm 2023, thậm chí thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.
Khó tiếp cận vốn
Ông Lữ Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, hiện Tập đoàn đang có nhu cầu vay vốn khoảng 100 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho mùa kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hạn mức được cấp nhiều khả năng chỉ được 20% do tài sản thế chấp của doanh nghiệp phần lớn là đất nông nghiệp, được ngân hàng định giá rất thấp.
Theo ông Vũ, mặc dù lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm liên tục trong thời gian gần đây, song vẫn còn tương đối cao so với lợi nhuận của các doanh nghiệp nông nghiệp. Tập đoàn này cũng đang có khoản vay vốn lưu động, kỳ hạn 6 - 9 tháng ở một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh với mức lãi suất lên tới 10%/năm. Mức lãi suất này rõ ràng là mức lãi vay ngắn hạn quá cao trong bối cảnh lãi suất giảm mạnh gần đây và nông nghiệp vốn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên chỉ từ 4%/năm, được áp dụng kể từ tháng 6/2023. Khi được hỏi tại sao doanh nghiệp không vay vốn tại các ngân hàng cổ phần nhà nước hoặc ngân hàng có nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho nông nghiệp để hưởng ưu đãi lãi suất, ông Vũ cho biết, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nông nghiệp lâu nay gặp rất nhiều rào cản. “Nhiều ngân hàng không mặn mà cho vay do lĩnh vực nông nghiệp được nhận định có rủi ro cao, thanh khoản thấp, lợi nhuận không nhiều. Một số ngân hàng cho vay thế chấp bằng đất nông nghiệp, nhưng định giá rất thấp. Như Agribank Tp. Hồ Chí Minh chỉ nhận tài sản thế chấp là đất nông nghiệp ở địa bàn thành phố, trong khi tài sản của chúng tôi lại rải rác ở nhiều địa phương nên rất khó tiếp cận vốn lãi suất thấp”, ông Lữ Nguyễn Xuân Vũ cho biết. Ở các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ lại là câu chuyện khác. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA), mặc dù thị trường bắt đầu có tín hiệu tốt trong thời gian gần đây, song vẫn chưa thực sự phục hồi. Do đó, ở thời điểm này vẫn không có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay mới để đầu tư máy móc, vật liệu mà chủ yếu vay để đảo nợ cũ. Ông Phương cho biết, để trụ lại sau đợt dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp đều phải dùng tài sản đảm bảo để vay ngân hàng. Hiện các doanh nghiệp này gặp 2 vấn đề chính là lãi vay các khoản nợ cũ còn khá cao và không vay mới được do hết tài sản thế chấp. Dù Ngân hàng Nhà nước có chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, thời gian áp dụng không còn nhiều và để không bị nhảy nhóm nợ trong thời gian tới sẽ là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu vẫn chưa thực sự phục hồi. Vấn đề nền kinh tế không hấp thụ được vốn cũng đang là vấn đề lo lắng nhất của cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA), trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã có động thái tích cực trong việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm, thậm chí giảm sâu so với trước đây, nhưng vốn vẫn không được hấp thụ. Điều này, chứng tỏ doanh nghiệp không có nhu cầu cũng như chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. “Mới đây, chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và đại diện các sở, ngành đã gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong vấn đề tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp cho biết không có nhu cầu vay mới ở thời điểm này. Họ không biết vay để làm gì trong bối cảnh kinh tế chưa có nhiều điểm sáng”, ông Hòa cho biết.Kỳ vọng phục hồi 3 tháng cuối năm
Nhu cầu vay vốn yếu khiến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong 9 tháng năm 2023 tăng chậm hơn năm ngoái và có xu hướng thấp hơn so với bình quân chung cả nước.
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9/2023 ước đạt 3.365.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm và tăng 5,89% so với cùng kỳ; trong đó, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 53,1% tổng dư nợ, tăng 1,37% so với cuối năm và tăng 1,43% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm tỷ trọng 46,9%, tăng 7,84% so với cuối năm và tăng 11,42% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 29/9/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,92% so với cuối năm 2022; trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.
Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay rất khó để đạt mục tiêu 13 - 15% như định hướng của Ngân hàng Nhà nước mà tối đa cũng chỉ có thể đạt khoảng 9 - 10%.
Theo Tiến sỹ Huân, dù lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với kỳ vọng. Nguyên nhân là do các ngân hàng trước đó huy động lãi suất cao nên khó giảm mạnh lãi vay. Điều này khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng dư thừa vốn.
Để khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế, vị chuyên gia này cho rằng, ngành ngân hàng phải đẩy mạnh các giải pháp kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhẳm giảm bớt chênh lệch cung – cầu tín dụng; đồng thời có thể nghiên cứu, xem xét giữa giảm bớt một số tiêu chí để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận dòng tín dụng ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tín dụng trên địa bàn thời gian qua diễn biến theo tình hình kinh tế - xã hội thành phố, sự phát triển sản xuất kinh doanh và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Trong đó, khó khăn thị trường hàng hóa; tiêu thụ và xuất khẩu và thị trường bất động sản có tác động nhất định. Mặc dù tăng trưởng tín dụng trên địa bàn vẫn duy trì ở mức thấp, song tín dụng đang có xu hướng phục hồi trong thời gian gần đây.
Nếu như cuối tháng 8/2023, tín dụng trên địa bàn chỉ tăng 3,26% so với cuối năm 2022, nhưng đã có mức phục hồi mạnh khi tăng trưởng gần 1% trong tháng 8. Và tiếp tục duy trì tích cực trong tháng 9, dự ước tăng hơn 1% trong tháng này. Đây là mức tăng trưởng cao so với những tháng trước đó và cũng là chỉ dấu tích cực, phản ánh hiệu ứng chính sách cần tiếp tục phát huy. Bên cạnh đó, một số ngành lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng, cùng với yếu tố thời vụ của dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch… sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành ngân hàng thành phố đang tập trung 3 giải pháp chính. Đó là tiếp tục thực hiện tốt các gói tín dụng ưu đãi, các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp; triển khai các cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước và tập trung cải cách hành chính, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
“Với 3 giải pháp này cùng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thường tăng cao trong những tháng cuối năm thì tín dụng Tp. Hồ Chí Minh sẽ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Để doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng bền vững, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài chính sách tiền tệ, các giải pháp kích thích tổng cầu và tác động vào 3 trụ cột là động lực tăng trưởng kinh tế vẫn là giải pháp lõi, cần thiết và hữu hiệu nhất hiện nay. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các giải pháp để phục hồi thị trường bất động sản sẽ có tác động hiệu ứng lan tỏa nhanh bởi vai trò quan trọng của thị trường này đối với các ngành lĩnh vực liên quan của nền kinh tế.../.
Tin liên quan
-
Ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 110.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu
18:57' - 03/10/2023
Kết quả, có 6/7 thành viên tham gia đều trúng thầu với tổng khối lượng 10.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 1,18%.
-
Ngân hàng
Lãi suất ngân hàng tháng 10/2023 giảm sâu so với cùng kỳ năm trước
18:55' - 02/10/2023
Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng tháng 10/2023 chỉ loanh quanh ngưỡng 6%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng huy động cùng kỳ năm ngoái, thậm chí còn thấp hơn cả thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
-
Ngân hàng
Ngân hàng nhà nước phát hành tín phiếu: Điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn
16:50' - 01/10/2023
Những ngày qua, Ngân hàng nhà nước liên tiếp tổ chức 7 lần phát hành tín phiếu với tổng quy mô đạt gần 93.800 tỷ đồng.
Tin cùng chuyên mục
-
Ngân hàng
Tỷ giá hôm nay 25/11: Đồng USD và NDT cùng giảm nhẹ phiên đầu tuần
08:53' - 25/11/2024
Vietcombank niêm yết tỷ giá USD hôm nay ở mức 25.197 - 25.506 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 8 đồng chiều mua vào và giảm 3 đồng chiều bán ra so với cuối tuần trước.
-
Ngân hàng
Cuộc đua thu hút nguồn vốn huy động đang sôi động
08:48' - 24/11/2024
Tháng 11/2024 chứng kiến sự điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng sau thời gian giữ ổn định hồi tháng 9 và 10.
-
Ngân hàng
Nhận kiều hối qua thẻ Sacombank Visa, nhận ưu đãi lên đến 1 triệu đồng
07:46' - 24/11/2024
Sacombank cung cấp dịch vụ Visa Direct, cho phép chuyển tiền từ nước ngoài trực tiếp vào thẻ thanh toán Sacombank Visa.
-
Ngân hàng
Fed cảnh báo về những thách thức đối với khối doanh nghiệp nhỏ
07:42' - 24/11/2024
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận định các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ đang phải đối mặt với thách thức kép là khả năng tín dụng thắt chặt hơn và khả năng trả nợ ngày càng khó khăn.
-
Ngân hàng
Đồng bitcoin đã tăng giá khoảng 130% trong năm nay
12:23' - 23/11/2024
Giá trị của đồng bitcoin đã tăng gấp hai lần trong năm nay và tăng khoảng 45% kể từ chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 5/11.
-
Ngân hàng
Tỷ giá hôm nay 22/11: Giá bán USD và NDT tăng nhẹ
08:43' - 22/11/2024
Vietcombank niêm yết tỷ giá USD hôm nay ở mức 25.205 - 25.509 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 5 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.
-
Ngân hàng
Agribank xây dựng sản phẩm tín dụng chuyên biệt phục vụ phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao
08:30' - 22/11/2024
Các sản phẩm về cho vay sẽ được tối ưu hóa về lãi suất, giảm bớt thủ tục trên cơ sở quản lý được dòng tiền trong liên kết, từ đó góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu hecta lúa.
-
Ngân hàng
Agribank thúc đẩy tín dụng cho nông sản chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long
15:31' - 21/11/2024
Dư nợ của khu vực ĐBSCL đạt 262 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng trong khu vực và chiếm 20,8% dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Agribank.
-
Ngân hàng
Giới chức Fed đánh giá về khả năng cắt giảm thêm lãi suất
13:39' - 21/11/2024
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết, lạm phát của nước này tiếp tục giảm, với tiền lương và thị trường việc làm "hạ nhiệt", giá cả tăng cao chủ yếu thiên về lĩnh vực nhà ở.