Tiếp nhận, xử lý nhanh vướng mắc của doanh nghiệp

21:53' - 30/07/2021
BNEWS Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp và người dân đã được cơ quan chức năng xử lý góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa thiết yếu ở các địa phương.

Trong những ngày nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang áp dụng Chỉ thị  16/CT-TTg để chống dịch, vai trò của Tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành đã phát huy được hiệu quả khi tiếp nhận và xử lý nhanh được nhiều vướng mắc của doanh nghiệp và người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa thiết yếu ở các địa phương.

Đơn cử như tại một số địa phương phía Nam không cho nhiều cửa hàng sữa hoạt động vì không phải là mặt hàng thiết yếu.

Ngay khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tiếp nhận và chuyển về Ban chỉ đạo để kịp thời xử lý.

Theo Vinamilk, không riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà ngay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, việc vận chuyển sữa và các sản phẩm từ sữa của doanh nghiệp này qua các chốt, trạm cũng gặp khó khăn.

Chẳng hạn như một số chốt trạm yêu cầu tài xế lái xe tải, xe gắn máy chở hàng quay đầu xe về đơn vị, có trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tại buổi làm việc với các địa phương khu vực phía Nam, Tổ công tác đặc biệt đã cung cấp văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương gửi Sở Công Thương các địa phương về việc quy định hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Căn cứ văn bản này, một số địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai… đã ban hành văn bản quy định danh mục mặt hàng thiết yếu; trong đó, có mặt hàng sữa.

Tuy nhiên, việc cho phép cửa hàng kinh doanh sữa được hoạt động hay không lại tùy thuộc vào quy định UBND quận, huyện xã, phường mỗi địa phương để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, trước kiến nghị của các doanh nghiệp không thể xin cấp thẻ nhận diện ưu tiên "luồng xanh" để vận chuyển lưu thông hàng hóa theo quy định, Tổ công tác cũng đã kiến nghị, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải ban hành văn bản số 7630/BGTVT-VT ngày 27/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Trong khi đó, đối với ngành nông nghiệp để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của tổ công tác trong phòng chống dịch, ngày 30/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong điều kiện dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 18/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tổ trưởng Tổ công tác phía Bắc là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và điều hành hoạt động của tổ công tác; chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ phối hợp với tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ liên quan khi cần thiết.

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của bộ. Tổ công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ tỉnh Thừa Thiên – Huế trở ra) chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các phương án duy trì hoạt động sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và các quy định khác của Chính phủ.

Tổ công tác xây dựng phương án đảm bảo an toàn cao nhất trong khu vực sản xuất để thúc đẩy mạnh hơn nữa sản xuất, chế biến tại các tỉnh chưa bị hoặc nguy cơ dịch bệnh COVID-19 chưa cao, tăng nguồn cung phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Đồng thời, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách do dịch COVID-19 và phục vụ xuất khẩu.

Liên quan tới việc phòng chống dịch tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, hiện tại tỉnh đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho người lao động đang ở lại làm việc theo phương án "3 tại chỗ".

Do đó, Ban đã yêu cầu các chủ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn vận động người lao động ở lại thực hiện tiêm vaccine COVID-19.

Đối với trường hợp người lao động có nhu cầu trở về địa phương sau khi tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, các doanh nghiệp thực hiện đăng ký danh sách trước để Ban quản lý khu kinh tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Long An chỉ đạo phương án tổ chức đưa đón người lao động trở về địa phương thực hiện phòng, chống dịch theo quy định.

Trường hợp người lao động tiếp tục ở lại làm việc tại doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp quan tâm chăm lo các điều kiện ăn, ở và thực hiện nghiêm túc 5K và các quy định đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

 

Tuy nhiên việc doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" không phải ở đâu cũng gặp thuận lợi. Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, sau khoảng 1 tháng triển khai, phương án này phát sinh bất cập.

Hiện Đồng Nai có gần 1.200 doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" với số công nhân tạm trú trong các doanh nghiệp gần 130.000 người.

Trước khi vào tạm trú, tất cả người lao động đều được xét nghiệm và âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" đã xuất hiện nhiều ca dương tính với COVID-19.

Các ca nhiễm được phát hiện khi doanh nghiệp tiến hành test nhanh công nhân tạm trú.

Ngay khi phát hiện ca bệnh, doanh nghiệp đã liên hệ, phối hợp cùng ngành y tế thực hiện biện pháp phòng chống dịch; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động đang tạm trú bình tĩnh, thực hiện đầy đủ giải pháp phòng chống dịch.

Tuy nhiên, các ca F0, F1 tại doanh nghiệp tăng lên khiến người lao động đang tạm trú trong doanh nghiệp có ca mắc COVID-19 lo lắng, không muốn tiếp tục ở lại làm việc.

Để giải quyết tình trạng trên, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đã kiến nghị ngành chức năng nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp khoanh vùng, truy vết, cách ly, đưa các F0, F1 ra khỏi công ty.

Sau đó, tiến hành khử khuẩn, xét nghiệm cho toàn bộ người lao động tạm trú còn lại. Nếu lao động có kết quả âm tính và đảm bảo các điều kiện an toàn mới tiếp tục cho sản xuất.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần người lao động tạm trú, không để công nhân tự ý ra khỏi khu vực tạm trú trở về địa phương.

Còn tại Bình Dương, ngày 30/7, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương cũng có văn bản số 2987/BQL-DN gửi đến toàn bộ doanh nghiệp trong khu công nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp "3 tại chỗ" khi phát hiện các ca F0 hoặc nghi nhiễm qua xét nghiệm phải tạm thời dừng ngay hoạt động sản xuất và thực hiện ngay phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục