Tiếp sức cho ngư dân vươn lên làm giàu

14:38' - 05/02/2019
BNEWS Những chính sách hỗ trợ kịp thời và liên tục đã và đang tạo động lực cho ngư dân Quảng Trị vươn khơi xa hơn, có điều kiện hơn trong việc chuyển đổi sinh kế để ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

*Tiếp sức cho ngư dân

Giáp Tết là khoảng thời gian cao điểm ngư dân Quảng Trị khai thác cá thu, loại cá cho giá trị kinh tế rất cao. Cá thu thường được ngư dân Quảng Trị khai thác ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam, mỗi chuyến biển thường kéo dài từ dài từ 15 - 20 ngày.

Ngày cận Tết Kỷ Hợi 2019, ở cảng cá Bắc cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chuyến biển cận Tết, ngư dân khai thác được nhiều và cá khai thác được cũng to hơn. Con nhỏ cũng lên đến 4 kg/con, con to tới gần 20 kg/con. Nửa tháng trước Tết Kỷ Hợi 2019, giá cá thu chỉ hơn 200.000 đồng/kg.

Những ngày cận Tết, giá cá thu đã tăng lên trên 300.000 đồng/kg. Chuyến biển này, tàu khai thác được ít cũng khoảng 300 kg cá thu, cho doanh thu 90 triệu đồng. Tàu khai thác được nhiều thì trên 1 tấn cá thu, doanh thu lên đến 300 triệu đồng.

Phân loại cá thu đem đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Ngư dân Lê Hàn, 52 tuổi, huyện Triệu Phong cho biết, chuyến biển trúng cá, trúng giá lại đúng vào dịp Tết nên ngư dân vui Xuân đón Tết đủ đầy hơn, lạc quan hơn. Hiện nay đang là mùa khai thác cá thu, nên nhiều chủ tàu chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết, rồi đưa tàu ra khơi.

Ngày càng có nhiều ngư dân Quảng Trị đóng tàu lớn, vươn khơi làm giàu ở vùng biển xa. Trước đây, đội tàu khai thác xa bờ của Quảng Trị chỉ có vài chục chiếc, chủ yếu là tàu vỏ gỗ. Đến tháng 2/2019, tỉnh đã phát triển được đội tàu cá công suất lớn trên 90CV với 200 chiếc thường xuyên khai thác ở hải sản ở vùng biển xa.

Đội tàu này làm những nghề chính như: khai thác cá thu, cá bè, mực... Không những thế, đội tàu khai thác xa bờ của tỉnh cũng đã thay đổi "về chất", khi đã có nhiều tàu vỏ thép, vỏ composite được đóng mới rất hiện đại. Đây là thành quả của việc thực hiện các chính sách phát triển thủy sản xa bờ trong những năm qua.

Theo đó, đối với thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt cho ngư dân vay khoảng 550 tỷ đồng để đóng mới 32 tàu cá và nâng cấp 118 tàu cá; trong đó các ngân hàng đã giải ngân gần 437 tỷ đồng. Đến nay, ngư dân Quảng Trị đã đóng mới và đưa vào sử dụng 25 tàu cá công suất lớn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, năm 2019, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ ngư dân gần 13 tỷ đồng theo các chính sách của Nghị định 67/NĐ-CP; trong đó, tiền hỗ trợ mua bảo hiểm trên 7,1 tỷ đồng, tiền duy tu, sửa chữa tàu 3 tỷ đồng, còn lại gần 2,7 tỷ đồng là kinh phí đào tạo nghề cho ngư dân. Tỉnh cũng đã hỗ trợ các chủ tàu thành lập được trên 110 tổ, đội sản xuất trên biển với hơn 2.600 ngư dân tham gia.

Đối với thực hiện Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách khuyến khích khai thác hải sản ở vùng biển xa, năm 2019, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ cho ngư dân có tàu cá công suất lớn từ 90CV trở lên, với tổng kinh phí gần 55 tỷ đồng.

Theo đó, nguồn kinh phí này chủ yếu để hỗ trợ nhiên liệu cho 200 tàu cá công suất lớn từ 90CV đến trên 700CV, thường xuyên khai thác hải sản xa bờ với khoảng 51,6 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa cho 25 tàu cá với kinh phí 700 triệu đồng; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu cho 200 tàu cá công suất lớn với tổng trị giá 2 tỷ đồng; hỗ trợ bảo hiểm cho 1.600 thuyền viên với kinh phí 480 triệu đồng.

Việc "tiếp sức" liên tục, kịp thời đã và đang giúp ngư dân vươn khơi xa hơn và hiệu quả hơn. Năm 2019, tỉnh Quảng Trị phấn đấu khai thác được trên 24.000 tấn hải sản, tương đương với những năm trước 2016 – năm xảy ra sự cố môi trường biển.

Giúp ngư dân "sống được"… bằng nhiều nghề

Cùng với hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn khai thác xa bờ, thì việc chuyển đổi sinh kế cho ngư dân sau sự cố môi trường biển năm 2016, cũng được tỉnh Quảng Trị ưu tiên. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ người dân xây dựng được khoảng 100 mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi ở 16 xã, thị trấn ven biển, để chuyển đổi sinh kế cho người dân.

Nếu như trước đây, ngư dân chỉ có duy nhất nghề đi biển, thì nay họ đã có thêm các nghề chăn nuôi lợn, gà, trồng ném, sả... cho thu nhập ổn định. Người dân xã ven biển Triệu Vân, huyện Triệu Phong trước đây hầu hết làm nghề biển. Sau sự cố môi trường biển, được sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ đã cải tạo vùng đất cát để trồng mướp đắng. Đến nay, cả xã đã phát triển được 32 ha mướp đắng.

Hộ ông Hồ Hồng Hạnh ở thôn 9, xã Triệu Vân, trồng 1,5 sào mướp đắng, mỗi vụ cho thu lãi trên 20 triệu đồng. Theo ông Hạnh, mướp đắng dễ trồng, sau khi trồng từ 45 - 60 ngày là có quả cho thu hoạch, mỗi vụ kéo dài 4 - 5 tháng. Trong khoảng thời gian này, cứ 3 ngày gia đình lại thu hoạch mướp đắng một lần rồi đem đi bán với giá từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Do đó, gia đình có nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên.

Đối với nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ ngư dân khôi phục và tái cơ cấu để phát triển bền vững. Ở vùng ven biển Quảng Trị, tôm là đối tượng nuôi chủ lực và chiếm phần lớn diện tích ao nuôi. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị tập trung nâng cao giá trị từ nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, thông qua việc xây dựng vùng công nghệ cao, nuôi sinh thái.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh đang triển khai xây dựng các vùng nuôi tôm sinh thái có chứng chỉ quốc tế và nuôi theo công nghệ cao, nhằm tăng giá trị nuôi tôm từ 550 tỷ đồng lên trên 1.000 tỷ đồng. Theo đó, vùng nuôi tôm theo công nghệ cao có quy mô từ 50 – 100 ha, được triển khai ở vùng ven biển, ngay từ đầu năm 2019.

Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2020, ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 1.500 ha, sản lượng đạt khoảng 6.800 tấn; trong đó diện tích nuôi tôm sú 500 ha, sản lượng đạt khoảng 1.300 tấn, 1.000 ha còn lại nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt khoảng 5.500 tấn…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục