Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến kinh doanh

16:47' - 30/09/2020
BNEWS Trong thực tế, chỉ một phụ lục trong Nghị định, thông tư, mẫu biểu... cũng có thể bị gài cắm các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến kinh doanh. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12/5/2020. Đây là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ. 

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách này, ông Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành cần phát huy hiệu quả vai trò của Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP tại bộ, ngành mình, trong quá trình thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành tập trung cải cách mạnh mẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Tiếp đó là thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tập trung lựa chọn, tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn, liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; ban hành và triển khai Kế hoạch số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Các bộ, ngành cần tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; ngoài ra, tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Về phía các địa phương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử; thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp không theo địa giới hành…
Theo báo cáo tại họp báo, thời gian qua, đã có hàng nghìn điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Trong giai đoạn 2016-2020, có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng, các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Việc cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác gây khó khăn hơn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Với sự hỗ trợ, đảm bảo đủ điện, liên tục cho sản xuất, Công ty Dệt lụa Nam Định đã vượt tiến độ giao hàng được 3 ngày. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

ÔngVũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, thời gian qua vẫn còn hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn ở các quy định pháp luật... Chúng ta có nhiều Luật, nhưng không tích hợp được với nhau gây cản trở lớn cho doanh nghiệp, nếu không giải quyết được thì sẽ không thúc đẩy được phát triển của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, sau 2 đợt cải cách trong nhiệm kỳ Chính phủ thời gian qua, hiện nay, chúng ta khởi động đợt sóng cải cách mới – Chương trình Nghị quyết số 68/NQ-CP, cắt giảm tiếp theo 20% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; rà soát xóa bỏ chồng chéo trong các quy định.
“Hi vọng, các chương trình cắt giảm trong Nghị quyết số 68/NQ-CP sẽ tạo bước tiến mới cho doanh nghiệp. Chúng ta tháo gỡ đồng bộ các quy định liên quan đến kinh doanh. Bởi trong thực tế, chỉ một phụ lục trong Nghị định, thông tư, mẫu biểu... cũng có thể bị gài cắm các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Lộc nói.
Tại họp báo, chuyên gia Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã giới thiệu về công cụ cải cách quy định  liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đó, lần cải cách này sẽ bao trùm toàn bộ các ngành nghề kinh doanh, toàn bộ các quy định hiện hành và dự thảo; tiếp cận tổng thể và lấy doanh nghiệp làm trung tâm; ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách; đánh giá, theo dõi, giám sát quá trình cải cách theo thời gian thực; doanh nghiệp, người dân tham gia vào quá trình cải cách, và giám sát kết quả thực hiện tại các bộ, ngành.
Về phạm vi của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chương trình cải cách không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, mà còn cải cách toàn diện cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Bên cạnh đó, Nghị quyết còn tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định thông qua đẩy mạnh thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.
Nghị quyết số 68/NQ-CP cũng đặt ra mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020). Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, trước mắt, các bộ, ngành sẽ cần sớm hoàn thành thống kê, cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ vào phần mềm thống kê, rà soát theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/10/2020. Tổng hợp, báo cáo kết quả thống kê, tính chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trước ngày 31/10/2020, gửi Văn phòng Chính phủ để theo dõi.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục