Tiếp tục mở rộng chính sách miễn visa sẽ có lợi cho du lịch Việt Nam

10:22' - 27/02/2024
BNEWS Tiếp tục mở rộng chính sách miễn thị thực sẽ giúp ngành Du lịch đa dạng hóa thị trường, tăng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, kéo dài khả năng lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của du khách.

Ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, trong đó yêu cầu nghiên cứu đề xuất chính sách miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp với tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương. Các chuyên gia du lịch đánh giá, việc tiếp tục mở rộng chính sách miễn thị thực sẽ có lợi cho du lịch Việt Nam phát triển.

Cách tiếp cận đúng đắn theo xu thế chung

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nêu rõ, năm 2023, lượng khách du lịch Việt Nam đã phục hồi ấn tượng, đạt 70%. Trong đó, đổi mới chính sách thị thực là một cách tiếp cận đúng đắn, cũng chính là xu thế chung của các nước trong khu vực nhằm thu hút du khách sau đại dịch COVID-19.

 

Việc tiếp tục mở rộng chính sách miễn thị thực sẽ giúp ngành Du lịch đa dạng hóa thị trường, tăng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, kéo dài khả năng lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của du khách quốc tế. Qua đó, giúp tăng doanh thu cho các địa phương có điểm đến du lịch, tăng thêm cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp trong du lịch. Ngoài ra, chính sách nà sẽ giúp tăng số khách đi lại bằng đường hàng không; tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại quốc tế, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ, tháng 7/2023, Hội đồng Tư vấn Du lịch đã có công văn và tài liệu nghiên cứu gửi Bộ Ngoại giao về đề xuất xem xét mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực. Việc đề xuất này bám sát Luật Xuất nhập cảnh, đồng thời hướng tới đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch nước nhà.

Hội đồng đã phân tích kỹ lưỡng các tiêu chí để đề xuất miễn thị thực cho các nước. Đó là các tiêu chí: Có nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ; khách du lịch có khả năng hoặc có tiềm năng chi tiêu cao tại Việt Nam, là nước hoặc khối nước (như Liên minh châu Âu) được nhiều nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực miễn thị thực; không có khả năng phương hại đến an ninh và trật tự an toàn xã hội Việt Nam; có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam; có giao dịch thương mại phát triển tốt và có tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáng kể vào Việt Nam, góp phần đa dạng hóa thị trường.

Theo đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất xem xét mở rộng thêm 33 quốc gia được miễn thị thực đơn phương, trong đó có 20 nước còn lại thuộc Liên minh châu Âu (Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Síp, Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Slovenia) và 13 nước khác gồm:  Mỹ, Australia, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argnetina, Ả rập Xê út, Kuwait và Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất.

Ngoài ra, Hội đồng đề xuất Chính phủ cân nhắc xem xét 4 thị trường du lịch có tiềm năng phát triển mạnh, gồm: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) và Ấn Độ.

Các doanh nghiệp du lịch đều mong muốn khách được lưu trú dài ngày; xuất, nhập cảnh nhiều lần. Trước mắt, chúng ta cần ưu tiên khách thị trường xa được lưu trú dài ngày. Hội đồng Tư vấn du lịch đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định danh sách và thời hạn lưu trú của các thị trường được miễn thị thực vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng, đáp ứng phát triển kinh tế, du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Mở rộng cánh cửa thu hút khách quốc tế

Du lịch là một ngành kinh doanh cạnh tranh và chúng ta có nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực. Ba đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Thái Lan, Malaysia và Singapore đang nỗ lực thu hút khách du lịch từ các thị trường trọng điểm đến với họ và đã tạo điều kiện dễ dàng để khách quốc tế nhập cảnh quốc gia họ. Thái Lan miễn thị thực cho 76 quốc gia; Malaysia miễn thị thực cho 156 quốc gia và Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia.

Ông Hoàng Nhân Chính nêu rõ, du lịch là một ngành kinh doanh cạnh tranh. Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Singapore. Họ đang nỗ lực thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm và tạo điều kiện dễ dàng cho khách quốc tế nhập cảnh. Thái Lan miễn thị thực cho 76 quốc gia và có kế hoạch miễn thị thực thêm cho một số nước châu Âu và kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 90 ngày cho khách du lịch một số nước châu Âu. Singapore miễn thị thực cho công dân của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong thời hạn lưu trú từ 30 đến 90 ngày, tùy thuộc vào quốc tịch.

Đây cũng là các quốc gia được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng cao trong báo cáo gần đây nhất “Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành 2021” và có độ mở quốc tế cao (là chỉ số đo lường mức độ mở cửa của một quốc gia đối với du khách). Theo đó, Thái Lan đứng thứ 36, Malaysia thứ 38 và Singapore thứ 9, Việt Nam đứng thứ 52.

Từ giữa tháng 8/2023, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn tạm trú từ 30 lên 90 ngày, số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Chính sách cấp thị thực điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với trước đây để thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Tuy nhiên, để xin cấp thị thực điện tử, khách du lịch vẫn phải mất thời gian để truy cập trang web khai báo thông tin cá nhân và thời gian chờ đợi phê duyệt được cấp thị thực. Các yêu cầu khắt khe hoặc mất thời gian xin thị thực sẽ làm giảm sự sẵn lòng của khách du lịch đến thăm một quốc gia.

Do đó, theo ông Hoàng Nhân Chính, chính sách miễn thị thực tốt hơn sẽ góp phần mở rộng cánh cửa chào đón du khách. Đây là giải pháp ngắn hạn để mở rộng cánh cửa để thu hút các thị trường khách quốc tế bên cạnh những giải pháp trung hạn, dài hạn cho những vấn đề nội tại của ngành Du lịch như xúc tiến quảng bá, tiếp thị số, đa dạng sản phẩm, quản lý điểm đến, phát triển nguồn nhân lực...

Năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách, đạt tỷ lệ phục hồi 70%. Đây là một kết quả tương đối cao so với các nước trong khu vực. Kết quả này nhờ vào sự nỗ lực của toàn ngành, nhưng trước hết kết quả này đạt được là nhờ các chính sách tạo thuận lợi cho phát triển du lịch cũng như sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi Luật sửa đổi Luật Xuất, nhập cảnh được sửa đổi và áp dụng từ ngày 15/8/2023, du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam so với các tháng trước đó.

Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn Du lịch, năm 2024, ngành Du lịch hoàn toàn có thể có thể đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Tuy nhiên, trước mắt, ngành Du lịch sẽ cần xây dựng kế hoạch và đưa ra những giải pháp đồng bộ cụ thể để quyết tâm đạt được mục tiêu này. Tới tháng 6/2024, nếu tốc độ tăng trưởng số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tốt, chúng ta nên điều chỉnh mục tiêu mới cho 6 tháng cuối năm để ngành Du lịch có quyết tâm cao hơn nhằm đạt mục tiêu mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục