Tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại ĐBSCL - Bài 3: Áp dụng các giải pháp

14:17' - 12/08/2017
BNEWS Với tình hình nguồn và lưới điện phục vụ nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn, việc đề xuất và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm rất cấp bách và thiết thực đối với các hộ nuôi tôm.

>>> Bài 1: Mối lo về an toàn điện

>>> Bài 2: Thách thức từ cung cấp điện

Với tình hình nguồn và lưới điện phục vụ nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc đề xuất và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm rất cấp bách và thiết thực đối với các hộ nuôi tôm.

Theo đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã đưa ra các giải pháp có khả năng thực hiện như: Sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U, có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 15 - 20% lượng điện năng sử dụng.

Sử dụng gối đỡ con lăn kết hợp chỉnh đồng trục dàn quạt có khả năng tiết kiệm điện từ 25 - 30% lượng điện năng so với sử dụng hệ thống dàn quạt không đồng trục với gối đỡ chữ U.

Sử dụng gối đỡ con lăn có khả năng tiết kiệm điện từ 25 - 30% lượng điện năng so với sử dụng hệ thống dàn quạt không đồng trục với gối đỡ chữ U. Ảnh: TTXVN

Sử dụng động cơ có hiệu suất cao có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 22 - 25% lượng điện năng sử dụng so với sử dụng động cơ quấn lại. Hay sử dụng bộ biến tần thay đổi tốc độ quay có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 28 - 35% lượng điện năng sử dụng khi tôm ở giai đoạn còn nhỏ.

Với phương pháp sục khí tầng sâu đáy ao tôm có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 15 - 20% lượng điện năng sử dụng và giảm 40% lượng điện tiêu thụ so với sử dụng quạt ao tôm trong giai đoạn tôm còn nhỏ.

Bên cạnh đó, giải pháp lắp đặt tụ bù hạ thế có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 2 - 4% lượng điện năng sử dụng thông qua việc giảm tổn thất điện năng trên đường dây và cải thiện hiệu suất động cơ.

Ngoài ra, nếu sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời trong việc cấp điện nuôi tôm thì giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm điện trên 60%. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu khá cao (khoảng 33 triệu đồng/kWp).

Hiện EVN SPC đã đánh giá số liệu sử dụng điện của khách hàng và tiến hành khảo sát tình hình cung cấp điện thực tế mô hình nuôi tôm của một số hộ nuôi tôm tại 3 tỉnh có sản lượng lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Kết quả cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, điện thương phẩm cho nuôi tôm ở Sóc Trăng là 94,36 triệu kWh, so với cùng kỳ năm trước tăng 31,93%; Tại Bạc Liêu là 60,82 triệu kWh, tăng 38,25% so với cùng kỳ và tại Cà Mau là 73,6 triệu kWh, so với cùng kỳ năm trước tăng 16,82%. Hiện tỷ lệ áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong các mô hình nuôi tôm ở Sóc Trăng mới đạt 30%, Bạc Liêu là 35% và Cà Mau là 42%.

Qua số liệu khảo sát và đánh giá trên có thể thấy nhu cầu về cung cấp điện cho nuôi tôm vẫn đang tăng rất mạnh hàng năm. Khả năng không đáp ứng cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm rất có thể xảy ra nếu không có những giải pháp quản lý hiệu quả, đồng thời thúc đẩy áp dụng tiết kiệm điện thiết thực và hiệu quả.

Vì vậy, trong giai đoạn 2017 - 2020, theo EVN SPC, ngoài việc đầu tư cấp điện mới cho các hộ nuôi tôm theo trách nhiệm của ngành thì cần có sự tham gia quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Riêng về tuyên truyền áp dụng tiết kiệm điện, Tổng công ty đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các Đề án thí điểm tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ một phần cho hộ nuôi tôm tiết kiệm điện.

Đơn cử như Đề án thí điểm “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL và một số tỉnh Nam Bộ giai đoạn 2016-2018”. Tại Đề án này được triển khai thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng từ tháng 12/2016, với chi phí hỗ trợ là 1,4 tỷ đồng.

Giải pháp tiết kiệm điện được lựa chọn áp dụng là thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn, đồng thời tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm kết hợp chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo oxy nuôi tôm để tiết kiệm điện.

Các hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng kết hợp chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo oxy nuôi tôm để tiết kiệm điện. Ảnh: TTXVN

Trong năm 2017, Công ty Điện lực Sóc Trăng thực hiện thay thế con lăn cho các hộ nuôi tôm còn lại (các hộ đã đăng ký nhưng chưa được lắp đặt) và tuyên truyền thêm về nội dung Đề án để người dân nuôi tôm học hỏi áp dụng. Đồng thời tuyên truyền quảng bá kết quả từ các mô hình đã triển khai áp dụng trên địa bàn cho người dân trong và ngoài tỉnh nhân rộng áp dụng.

Với Đề án thí điểm “Hỗ trợ nâng cao hiệu suất thiết bị điện cho các hộ nuôi tôm tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng giai đoạn 2017-2018”. Đề án tập trung vào giải pháp khuyến khích thay thế các loại động cơ cũ (không rõ nguồn gốc, động cơ quấn lại) bằng động cơ hiệu suất cao kết hợp bộ giảm tốc và sử dụng con lăn cho dàn quạt tạo oxy.

Hiện Tổng công ty đang thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện uy tín và chất lượng nhằm giới thiệu quảng bá và hỗ trợ một phần cho người dân sử dụng điện tiết kiệm trong nuôi tôm công nghiệp.

Các thiết bị điện phải đáp ứng mục tiêu là sản phẩm chính hãng, có dán nhãn năng lượng và ưu tiên cho các sản phẩm có chất lượng cao được sản xuất trong nước.

Cụ thể, EVN SPC đã trao đổi và thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Chế tạo máy điện Việt Nam – Hungari (Vihem). Đây là một thương hiệu lớn về sản xuất, chế tạo và sửa chữa động cơ điện hiệu suất cao trên thị trường để xúc tiến giới thiệu thiết bị đến người sử dụng, tương tự như việc quảng bá sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và đèn tiết kiệm điện thời gian vừa qua. Qua đánh giá kỹ thuật cho thấy động cơ điện của Vihem có khả năng tiết kiệm cao hơn so với loại động cơ cũ khoảng từ 18 - 20% và có thể sử dụng để hỗ trợ hộ nuôi tôm trong thời gian tới.

Đồng thời, EVN SPC cũng mong muốn khách hàng sử dụng điện nói chung và khách hàng nuôi tôm nói riêng trên địa bàn các tỉnh miền Nam tiếp tục áp dụng thêm những giải pháp khác để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng yêu cầu các ban ngành như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách, nguồn vốn thích hợp nhằm hỗ trợ hộ dân tiết kiệm điện trong nuôi tôm. Việc quy hoạch vùng nuôi tôm cần có sự kết hợp với quy hoạch Điện lực nhằm đảm bảo khả năng cung cấp điện cho nhân dân nói chung và người dân nuôi tôm nói riêng.

Đối với người dân nuôi tôm, cần chấp hành đúng chủ trương, chính sách của nhà nước để đảm bảo về quyền lợi cũng như lợi nhuận trong nuôi tôm. Bên cạnh đó có sự nhận thức tốt hơn về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Đối với ngành Điện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, an toàn điện trong nuôi tôm. Đặc biệt, tăng cường khả năng cung cấp điện cho người dân trong các hoạt động sinh hoạt và sản xuất (nuôi tôm).

Đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả theo đúng Chỉ thị 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện./.

Đọc tiếp >>> Bài 4: Nhìn từ việc triển khai tại Sóc Trăng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục