Tiết kiệm khoảng 600 triệu USD nhờ cải cách thủ tục thông quan

11:02' - 16/12/2016
BNEWS Theo đánh giá của WB, với xếp hạng chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới, Việt Nam tăng 15 hạng so với báo cáo năm 2015 và đứng trong 4 nước hàng đầu trong khu vực.
Tiết kiệm khoảng 600 triệu USD nhờ cải cách thủ tục thông quan. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng-TTXVN

Tổng cục Hải quan cho biết, tại ấn phẩm Môi trường kinh doanh 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, kể từ khi các cơ quan Chính phủ áp dụng hàng loạt giải pháp đồng bộ; trong đó có việc triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa tại Việt Nam đã có cải thiện đáng kể.

Theo đánh giá của WB, với xếp hạng chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới, Việt Nam tăng 15 hạng so với báo cáo năm 2015 (từ 108 lên 93/190 nền kinh tế được khảo sát) và đứng trong 4 nước hàng đầu trong khu vực (cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Trong khi đó, thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu (bao gồm thời gian chuẩn bị hồ sơ và thời gian thực hiện thủ tục hành chính tại cửa khẩu) còn 108 giờ, tương đương với khoảng 4,5 ngày. Thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu còn 138 giờ, tương đương 5,75 ngày.

Ngoài ra, thời gian thực hiện chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu giảm 30 giờ (từ 106 giờ xuống còn 76 giờ). Thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu giảm 33 giờ (từ 83 giờ xuống còn 50 giờ).

Trên cơ sở đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng cục Hải quan tính toán, chi phí trung bình để chuẩn bị hồ sơ (cho cả nhập khẩu và xuất khẩu) tại Việt Nam ước khoảng 2,5 USD/giờ thì mỗi lô hàng (cả nhập khẩu và xuất khẩu) khi rút ngắn khoảng 30 giờ so với năm 2015 thì ước tiết kiệm được 75 USD chi phí chuẩn bị hồ sơ.

Tính trên khoảng 8 triệu lô hàng cả xuất khẩu và nhập khẩu tính đến tháng 10/2016, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ ước có thể tiết kiệm khoảng 600 triệu USD.

Theo công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam, khi thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia, doanh nghiệp rút ngắn khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục. Một số đơn vị thực hiện thủ tục hành chính thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục chăn nuôi; Tổng cục Thủy sản; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Thú y đến nay đã cơ bản không tiếp nhận việc xử lý, giải quyết hồ sơ giấy.

Riêng với Cục Chăn nuôi, khi áp dụng thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải gửi hồ sơ qua đường chuyển phát nhanh. Do đó, thủ tục được rút ngắn từ 1-2 ngày so với trước đây.

Nếu ước tính 1 bộ hồ sơ phải gửi chuyển phát nhanh mất 20.000 đồng thì với trên 20.000 hồ sơ của Cục Chăn nuôi được xử lý cấp phép qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp tiết kiệm hơn 400 triệu đồng.

Trước kết quả đạt được này, mục tiêu đặt ra trong ngắn hạn của Việt Nam đến năm 2018 là hoàn thành triển khai mở rộng phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển; cảng dầu khí ngoài khơi.

Theo Tổng cục Hải quan, đến năm 2018, việc triển khai thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số thủ tục hành chính của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu; xuất cảnh/nhập cảnh; quá cảnh đối với hàng hóa và phương tiện./.

>>> Cải cách hành chính hải quan tạo thuận lợi thúc đẩy kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục