Tiêu chuẩn hợp tác xã có quy mô vốn lớn là gì?

14:13' - 25/02/2020
BNEWS Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã được áp dụng cho các tổ chức và cá nhân có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động, chấm dứt hoạt động của hợp tác xã.
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất rau an toàn Tùng Anh (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã. Theo đó, Thông tư 01 gồm 4 Chương và 11 Điều, hướng dẫn về phân loại và đánh giá hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã hoạt động trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Thông tư được áp dụng cho các Hợp tác xã tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012.

Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động, chấm dứt hoạt động của hợp tác xã. Riêng đối với Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng hợp tác xã, việc đánh giá thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Thông tư, căn cứ theo sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên, hợp tác xã được phân thành 4 loại: hợp tác xã phục vụ sản xuất, hợp tác xã phục vụ tiêu dùng, hợp tác xã tạo việc làm và hợp tác xã hỗn hợp; trong đó, hợp tác xã phục vụ sản xuất là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đầu ra cho thành viên nhằm phục vụ hoạt động kinh tế của thành viên.

Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.

Hợp tác xã phục vụ tiêu dùng là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành viên.

Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã. Hợp tác xã tạo việc làm là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu tạo việc làm cho thành viên.

Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là người lao động trong hợp tác xã. Hợp tác xã hỗn hợp là hợp tác xã hoạt động nhằm từ hai mục tiêu nêu trên trở lên.

Thông tư nêu rõ, căn cứ theo số lượng thành viên, hợp tác xã được phân loại thành: Hợp tác xã quy mô thành viên siêu nhỏ là hợp tác xã có dưới 50 thành viên; Hợp tác xã quy mô thành viên nhỏ có từ 50 đến 300 thành viên; Hợp tác xã quy mô thành viên vừa có từ trên 300 đến 1.000 thành viên; Hợp tác xã quy mô thành viên lớn có từ trên 1.000 thành viên trở lên.

Căn cứ theo tổng nguồn vốn, hợp tác xã quy mô vốn siêu nhỏ là có tổng nguồn vốn dưới 1 tỷ đồng; Hợp tác xã quy mô vốn nhỏ có tổng nguồn vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; Hợp tác xã quy mô vốn vừa có tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng; Hợp tác xã quy mô vốn lớn có tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên.

Căn cứ theo ngành, nghề đăng ký kinh doanh, hợp tác xã được phân loại theo các nhóm ngành kinh tế cấp 1 quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Hợp tác xã được đánh giá dựa trên 15 tiêu chí, với tổng điểm tối đa là 100 điểm và được chia thành 3 nhóm: nhóm tiêu chí về tài chính, tối đa 30 điểm, gồm 4 tiêu chí là vốn của hợp tác xã; tài sản của hợp tác xã; kết quả sản xuất kinh doanh trong năm của hợp tác xã; trích lập các quỹ của hợp tác xã.

Nhóm tiêu chí về quản trị, điều hành và năng lực của hợp tác xã, tối đa 30 điểm, gồm 5 tiêu chí là chấp hành pháp luật trong tổ chức, hoạt động của hợp tác xã; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại; trình độ cán bộ quản lý, điều hành; chế độ, chính sách cho thành viên và người lao động; mức độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị.

Nhóm tiêu chí về thành viên, lợi ích thành viên và cộng đồng, tối đa 40 điểm, gồm 6 tiêu chí; mức độ tham gia của thành viên đối với hợp tác xã; lợi ích thành viên; sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên; thông tin, truyền thông, đào tạo bồi dưỡng; mức độ ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng; hợp tác xã được khen thưởng trong năm…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục