“Tiêu điểm” phục hồi hậu COVID-19 của kinh tế Hàn Quốc

06:30' - 19/06/2022
BNEWS Tầm nhìn kinh tế định hướng thị trường của Tổng thống Yoon Suk-yeol coi khu vực tư nhân là vấn đề cốt lõi trên con đường phục hồi kinh tế và từ đó tìm kiếm các cải cách táo bạo.
Theo nhận định của tờ The Korea Times, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cắt giảm thuế thu nhập tối đa cho các doanh nghiệp, từ mức 25% xuống còn 22%, trong một nỗ lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư doanh nghiệp và tạo việc làm, đồng thời giảm bớt gánh nặng thuế bất động sản đối với người sở hữu nhà.

Đây là một phần trong mục tiêu chính sách kinh tế đầu tiên của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Lộ trình bao gồm tầm nhìn kinh tế định hướng thị trường của Tổng thống Yoon Suk-yeol, coi khu vực tư nhân là vấn đề cốt lõi trên con đường phục hồi kinh tế và từ đó tìm kiếm các cải cách táo bạo về quy định để nuôi dưỡng sự đổi mới kinh doanh.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với các bộ trưởng khác tại khu phức hợp hành chính Sejong cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) Choo Kyung-ho nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ vượt qua khủng hoảng kinh tế thông qua sự thay đổi mạnh mẽ trong mô hình kinh tế do chính phủ lãnh đạo”.

Ông Choo Kyung-ho tuyên bố sẽ “huy động tất cả các công cụ chính sách có thể” để ổn định nền kinh tế và giá tiêu dùng, đồng thời nói thêm: “Chúng tôi yêu cầu sự hỗ trợ từ các tập đoàn, người lao động và các chính trị gia cũng như người dân vì chính phủ không thể làm điều đó một mình”.

Việc thừa kế doanh nghiệp giữa các thành viên trong gia đình sẽ trở nên suôn sẻ hơn, bằng cách kéo dài thời hạn nộp thuế sau khi bên thừa kế đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu. Doanh thu hàng năm của các công ty chịu thuế thừa kế sẽ được nâng từ 400 tỷ won (309,7 triệu USD) lên 1.000 tỷ won (776,2 triệu USD).

Trong lĩnh vực tài chính, việc đánh thuế thu nhập vốn đối với cổ phiếu và các sản phẩm tài chính khác sẽ bị trì hoãn trong hai năm. Đây cũng là sự đảo ngược đối với kế hoạch áp thuế của chính quyền tiền nhiệm. Bên cạnh đó, giới hạn làm việc 52 giờ trong tuần sẽ được sửa đổi để nhiều doanh nghiệp quản lý linh hoạt lực lượng lao động của họ đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhân viên.

Bên cạnh việc tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng đề cập đến các vấn đề khác và một trong số đó là khắc phục tình trạng giá nhà đang tăng nóng.

Chính phủ Hàn Quốc chỉ rõ kế hoạch xây dựng hơn 250.000 ngôi nhà và giảm thuế tài sản cho những chủ sở hữu nhà duy nhất. Theo đó, họ sẽ bị đánh thuế ở mức tương tự như năm 2020, một năm trước khi giá nhà đất ở Hàn Quốc tăng mạnh. Ngoài ra, cái gọi là Tỷ lệ cho vay trên giá trị (LTV), là một con số mà các nhà cho vay sử dụng để xác định rủi ro khi gia hạn các khoản vay, sẽ được nâng lên 80%, để cho phép nhiều chủ sở hữu nhà có thể được vay tiền trong tương lai.

Để thúc đẩy đổi mới kinh doanh, các ưu đãi của chính phủ cũng sẽ được đưa ra đối với các khoản đầu tư và tạo việc làm trong lĩnh vực công nghệ có liên quan đến lợi ích quốc gia, chẳng hạn như vi mạch, pin và màn hình OLED.

Sự hỗ trợ do chính phủ điều hành được tăng cường để phát triển hạ tầng cho các động cơ tăng trưởng tiếp theo, từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến công nghệ sinh học, di động, công nghệ hàng không vũ trụ và người máy (robot).

Để chuẩn bị cho việc quay trở lại chính sách năng lượng hạt nhân, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 10 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2030 và tập trung phát triển công nghệ cho các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và sản xuất năng lượng hydro bằng lò phản ứng hạt nhân.

Bên cạnh miễn giảm thuế và các lợi ích khác, việc thuê lại các công ty cũng sẽ được khuyến khích trong bối cảnh lo ngại về chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên toàn thế giới.

Đối với ngành tài chính, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thúc đẩy thể chế hóa thị trường tài sản kỹ thuật số với sự tham vấn của các chuyên gia đồng thời hạ thấp rào cản và tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng và các công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực ngân hàng số.

Việc cải cách các công ty đại chúng và dịch vụ hưu trí quốc gia sẽ được thực hiện trong bối cảnh lo ngại về sự quản lý lỏng lẻo của các công ty nhà nước và dân số già hóa nhanh chóng sẽ làm cạn kiệt quỹ hưu trí nhanh hơn dự kiến.

MOEF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Hàn Quốc từ 3,1% xuống còn 2,6% đồng thời nâng dự báo lạm phát từ 2,2% lên 4,7%. Việc sửa đổi này phù hợp với những triển vọng ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trong bối cảnh lo ngại về lạm phát đình trệ (tăng trưởng trì trệ và lạm phát gia tăng kèm theo tỷ lệ thất nghiệp cao).

Theo đánh giá của MOEF, chi tiêu tư nhân tại “xứ kim chi” sẽ nhanh chóng tăng trở lại mức 3,7% vào cuối năm nay, sau khi các quy định giãn cách xã hội phòng chống COVID-19 được nới lỏng (có hiệu lực từ tháng 4/2022).

Tuy nhiên, những bất ổn kinh tế toàn cầu, đáng chú ý là cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, suy thoái kinh tế ở cả Mỹ và Trung Quốc và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đang là những yếu tố khiến triển vọng phục hồi của Hàn Quốc trở nên “gập ghềnh” hơn trước nhiều lần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục