Tiêu điểm trong ngày: Thử thách liên minh Mỹ-Nhật Bản

11:51' - 17/04/2018
BNEWS Nhà Trắng tuyên bố “cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm tái khẳng định liên minh Mỹ - Nhật...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên lịch thực hiện chuyến công du Mỹ lần thứ hai trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: EPA

Những động thái tích cực thời gian gần đây xung quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sau sự chuyển hướng đột ngột của Bình Nhưỡng đã trở thành yếu tố quyết định để Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lập tức lên lịch thực hiện chuyến công du Mỹ lần thứ hai trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, bắt đầu từ ngày 17/4.

Rõ ràng, vấn đề Triều Tiên luôn đóng một vai trò tối quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản, và cũng là yếu tố tác động tới liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản.

Từ Washington, Nhà Trắng tuyên bố “cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm tái khẳng định liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng của hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngoài vấn đề Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các biện pháp thương mại và đầu tư bình đẳng và đôi bên cùng có lợi.

Thông báo trên cho thấy các vấn đề mà ông Trump và ông Abe dự kiến thảo luận đều là những vấn đề mà hai bên đang có những chuyển động trái chiều, trở thành những yếu tố thử thách quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản vốn đã hình thành và phát triển gần 70 năm nay sau khi hai nước ký Hiệp ước an ninh năm 1951.

Lý do quan trọng nhất để ông Abe đến Mỹ lần này là cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều Tiên sắp tới. Lâu nay, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Mỹ Trump vẫn được cho là cùng quan điểm cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên.

Năm ngoái, sau nhiều vụ Triều Tiên phóng tên lửa bay qua đảo Hokkaido ở cực bắc Nhật Bản hoặc rơi gần lãnh thổ Nhật Bản, Tokyo đã dự trù khoản ngân sách quốc phòng cao kỷ lục cho tài khóa 2018, trong đó, phần lớn các khoản tăng thêm sẽ được sử dụng để giúp Nhật Bản ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Là quốc gia láng giềng của Triều Tiên, Nhật Bản luôn coi việc Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân là mối đe dọa lớn.

Đó cũng là lý do thời gian qua, Nhật Bản nhiều lần cảnh báo việc Triều Tiên đưa ra đề nghị đối thoại phi hạt nhân hóa với Mỹ có thể là một cách để kéo dài thời gian, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế vẫn phải duy trì áp lực ở mức cao nhất buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua các biện pháp triệt để, có thể kiểm chứng và không đảo ngược.

Trước đó, cho đến tháng 2/2018, Washington và Tokyo vẫn cam kết phối hợp chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiêu, theo đó sẽ gia tăng sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc ông Trump chấp nhận động thái ngoại giao, đồng ý tham dự cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều khiến Nhật Bản lo ngại Washington sẽ không còn phối hợp với Tokyo trong vấn đề này.

Việc Bình Nhưỡng chủ động đề nghị và thực hiện các cuộc gặp cấp cao Trung – Triều, liên Triều và Mỹ - Triều, mà không hề đề cập đến Nhật Bản, quốc gia láng giềng có lợi ích an ninh gắn liền với Triều Tiên và là một thành viên của tiến trình đàm phán sáu bên, cũng làm Tokyo cảm thấy đang bị gạt ra khỏi tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Đối với Nhật Bản, đây là một điều đáng quan ngại vì nó đồng nghĩa với việc các vấn đề của Nhật Bản liên quan đến Triều Tiên, có nguy cơ không được quan tâm giải quyết, đó là việc Nhật Bản có vị trí địa lý nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm ngắn từ Triều Tiêu và công dân Nhật Bản bị bắt cóc.

Chính vì vậy, mục đích hàng đầu của chuyến công du là nhằm thuyết phục Mỹ tôn trọng các cam kết với Nhật Bản và nêu các vấn đề của Nhật Bản đối với Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Với quan điểm cứng rắn trong vấn đề này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ tìm cách đạt được đồng thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc yêu cầu Triều Tiên "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược, tức là trái với đề xuất của Bình Nhưỡng, rằng "vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết bằng các biện pháp đồng thời, theo từng giai đoạn".

Tuy nhiên, vấn đề Triều Tiên được dự đoán là có triển vọng giải quyết trong chuyến thăm này, bởi với tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật, vốn được coi là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như với mối liên kết lợi ích về quân sự và an ninh bền chặt, Washington sẽ khó từ chối yêu cầu trên của Tokyo.

Một số nguồn thạo tin cho biết giới chức Nhật Bản cảm thấy yên tâm hơn khi ông John Bolton, chính khách được đánh giá có quan điểm cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên, được bổ nhiệm làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.

Một cơ sở để phía Nhật Bản tin tưởng là trước đó, Chính phủ Mỹ đã tỏ thái độ không ủng hộ hình thức phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn của Triều Tiên, khi cho rằng : “Tất cả các hiệp thương trong quá khứ theo hình thức tiếp cận dần dần và theo từng giai đoạn đều đã thất bại.

Chính phủ của Tổng thống Donald Trump không quan tâm tới các cuộc đàm phán cho phép Triều Tiên câu giờ”.

Ngoài vấn đề Triều Tiên, thương mại đang được coi là thách thức lớn nhất mà Thủ tướng Abe phải giải quyết trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.

Ông Donald Trump thường bày tỏ quan điểm cho rằng Nhật Bản đã được lợi trong khi Mỹ chịu thiệt hơn trong quan hệ thương mại song phương.

Đặc biệt, mới đây, Mỹ đã không đưa Nhật Bản vào danh sách các quốc gia được miễn trừ thuế nhập khẩu nhôm và thép mà Washington mới ban hành, khiến Thủ tướng Nhật Bản vấp phải một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ trong nước.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng ông Trump chủ ý dùng thuế nhập khẩu trên để gây sức ép Tokyo đồng ý đàm phán song phương về hiệp định tự do thương mại (FTA), yêu cầu mà cho đến nay Nhật Bản vẫn bác bỏ.

Dự kiến, Thủ tướng Abe sẽ đề nghị Tổng thống Trump đưa Nhật Bản vào danh sách các nước được miễn thuế nhập khẩu nhôm và thép với lý do các sản phẩm thép của Nhật Bản đã giúp cho các sản phẩm ô tô của nhà sản xuất ô tô của Mỹ có giá thành rẻ hơn và cạnh tranh hơn.

Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Abe đã nhận được một tín hiệu tích cực từ Mỹ. Đó là việc Tổng thống Donald Trump chỉ thị cấp dưới nghiên cứu cách thức đưa Mỹ trở lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Động thái này phù hợp với mong muốn của Nhật Bản, quốc gia chủ trương tìm mọi cách cứu sống TPP sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Cho dù mới chỉ là một tín hiệu ban đầu song điều này có thể góp phần thuyết phục người dân Nhật Bản tiếp tục tin tưởng vào chiến lược kinh tế của Thủ tướng Abe, đặc biệt trong bối cảnh uy tín của ông Abe đang giảm sút nghiêm trọng vì vụ bê bối Moirikake về việc bán đất rẻ hơn mức thực tế cho trường học tư nhân thuộc sở hữu bạn thân của ông Abe.

Trong cuộc thăm dò mới nhất của Đài truyền hình NHK, uy tín của Thủ tướng Abe hiện đã xuống đến mức 38%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ lên tới 45%.

Với chương trình làm việc bao gồm những vấn đề gai góc, trong bối cảnh tình hình thế giới và chính trường Nhật Bản diễn biến phức tạp, giới chuyên gia dự đoán cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nhật lần này là một trong những nhiệm vụ đầy thách thức của Thủ tướng Abe. Kết quả của cuộc gặp này, nếu thành công, sẽ là một mũi tên trúng hai đích, giúp Nhật Bản lấy lại được vị thế trong vấn đề Triều Tiên, đồng thời cải thiện uy tín của Thủ tướng trước thềm cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) vào tháng 9 tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục