Tìm dư địa tăng trưởng kinh tế

14:46' - 02/04/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% sẽ là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi những giải pháp thích hợp dựa trên những động lực tăng trưởng có tính khả thi cao.

Một phần tư chặng đường của năm 2021 đã đi qua với nhiều chỉ số kinh tế-xã hội khả quan, không khí làm ăn kinh doanh khởi sắc hơn, đặc biệt Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% sẽ là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi những giải pháp thích hợp dựa trên những động lực tăng trưởng có tính khả thi cao.

 * “Cỗ xe tam mã” tiếp tục tăng

Trong quý I/2021, “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu tiếp tục tăng. Điểm nhấn đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương với tổng vốn quý I đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Số vốn đăng ký mới và số vốn đăng ký điều chỉnh tăng mạnh, lần lượt tăng 30,6% và 97,4% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, đặc biệt có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây chính là thành quả của quá trình phòng, chống dịch bệnh thành công cũng như phản ánh niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng nền kinh tế nước ta.

Xuất nhập khẩu hàng hóa quý I tiếp tục đạt kết quả ấn tượng với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 152,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất siêu đạt 2,03 tỷ USD. Hiện đã có 4 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD; 11 mặt hàng trên 1 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước. Xuất khẩu dệt may từng bước phục hồi, trong khi xuất khẩu giày dép tăng trưởng khá cao. Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa chuyển biến tích cực với tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng, tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng giảm.

Khu vực dịch vụ tăng 3,34%, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đang dần phục hồi trở lại.

Ngoài ra, các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tiếp tục là động lực lớn nhất của nền kinh tế khi tăng trưởng tới 9,45% so với cùng kỳ năm ngoái; sự ổn định của ngành nông nghiệp với mức tăng 3,19% đã góp phần đưa đến thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế  của Chính phủ.

Với những kết quả này, mặc dù GDP quý I chỉ đạt 4,48%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011 nếu không tính năm 2020 (tăng 3,68%) nhưng có thể khẳng định đây là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát trước dịp Tết Nguyên đán và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế cả quý I.

*Động lực đến từ đâu?

Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đạt ra cả năm 2021 là 6,5% thì chặng đường sắp tới sẽ không ít khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 thì quý II GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý IV cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm).

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí nhận định tình hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử, ô tô và sản lượng điện quý I tăng trưởng khá tốt cho thấy sản xuất, chế biến chế tạo đang quay trở lại guồng quay kể từ đầu năm và có nhiều kỳ vọng trong thời gian tới, khi Việt Nam và thế giới tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đặc biệt, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện hơn sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài vào chế biến chế tạo, nhất là công nghệ cao. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, để tiếp tục tạo thị trường cho các doanh nghiệp, thúc đẩy hơn nữa ngành cơ khí, chế biến chế tạo trong nước, ông Đào Phan Long đề nghị các bộ, ngành tập trung chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn. Đặc biệt, phải thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Các bộ, ngành tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm…

Động lực tăng trưởng tiếp theo được các chuyên gia nhận định đến từ lĩnh vực xuất nhập khẩu. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 trên 24%.

Theo Tổng cục Thống kê, xu hướng quý II/2021 so với quý I/2021, có 37,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 15% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 47,5% số doanh nghiệp dự kiến ổn định cho thấy đơn hàng xuất khẩu ở mức ổn định và tăng chiếm ưu thế.

Xu hướng này đến từ sự dần hồi phục của kinh tế thế giới, nhu cầu và giá một số mặt hàng tăng khá, cũng như việc tận dụng các thị trường của doanh nghiệp Việt Nam thông qua các FTA Việt Nam đã ký kết.

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, cán cân thương mại từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu đến 20 tỷ USD năm vừa qua đã minh chứng cho thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế, là cơ sở quan trọng đảm bảo các quan hệ xuất nhập khẩu. Nhưng theo vị đại biểu này, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ phải chú trọng điều chỉnh quan hệ xuất nhập khẩu giữa các thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng hoá và nguyên liệu từ thị trường khu vực như Trung Quốc để sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực thi.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước… Đồng thời tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021; mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Về phía doanh nghiệp, bà Hương đề nghị doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm kiếm những cơ hội, ý tưởng, định hướng, đối tác kinh doanh mới để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh trong thời kỳ chịu tác động của dịch COVID-19 và hậu COVID-19.

Với lĩnh vực xương sống xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, ngay từ những ngày đầu tiên của năm ngành đã ra quân làm việc ngay, thể hiện tinh thần "Đi trước mở đường".

Trong năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến khởi công 19 dự án, hoàn thành 24 dự án. Riêng quý I/2021 dự kiến khởi công 5 dự án và hoàn thành 2 dự án. Một số dự án quan trọng khởi công như: Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; một loạt dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam… Các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2021 gồm: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; Dự án cải tạo mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Trong 5 năm tới, ngành giao thông ưu tiên thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ; hoàn thành việc xây dựng đường Hồ Chí Minh và đưa vào khai thác sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn I. Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ tạo đột phát cho hạ tầng giao thông.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, do khó khăn về nguồn lực đầu tư, khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định rõ những dự án tạo ra đột phá, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia để ưu tiên đầu tư.

Tuy nhiên, yếu tố được xem là cốt lõi giữ vai trò quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước. Với lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú ý và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ tất cả các nguồn vốn; trong đó có các dự án đầu tư công.

Tổng mức đầu tư của các dự án phải được xây dựng và phê duyệt trên cơ sở các quy định của nhà nước về định mức, suất đầu tư... tránh tình trạng phê duyệt tổng mức đầu tư vượt quá nhiều so với đầu tư thực tế, nhằm lợi dụng ngân sách nhà nước, gây lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, hiệu quả dự án, lợi ích người dân và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến của các thị trường tiềm ẩn rủi ro. Theo đó, bộ trưởng đề nghị Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông; tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh....

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm bớt việc phụ thuộc vào một thị trường; tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục