Tìm giải pháp cho phát triển năng lượng bền vững

14:17' - 22/12/2020
BNEWS Nguồn điện hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng năng lượng sơ cấp nội địa. Hiện tỷ trọng điện sản xuất từ nguồn năng lượng nhập khẩu tăng dần
Sáng 22/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”. Đây là chủ đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất cao, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 55 ngày 11/2/2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và tiếp tục xác định quan điểm “phát triển nhanh và bền vững” với mục tiêu đến năm 2030.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phương diện quốc gia chính là sự duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng với mức giá cả chấp nhận được đối với quốc gia đó; trong đó, các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định đến an ninh năng lượng xét trên góc độ lợi ích quốc gia.
Đối với Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; đồng thời, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguồn điện hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng năng lượng sơ cấp nội địa. Hiện tỷ trọng điện sản xuất từ nguồn năng lượng nhập khẩu tăng dần. Tổng công suất các nguồn điện hiện nay trên 60.000 MW, có thể đáp ứng cho nhu cầu phụ tải với công suất lớn nhất trên 41.000 MW.
Tuy nhiên, ông Vy cho hay, hệ thống vẫn tiềm ẩn khả năng cung cấp thiếu hụt điện năng khi gặp những năm ít nước do tỷ trọng thủy điện lớn; các nguồn điện vào chậm có thể xảy ra thiếu điện trong giai đoạn tới; công suất truyền tải giữa các miền còn lớn. Hệ thống điện còn có một số nguy cơ có thể dẫn đến rã lưới, gây mất điện trong diện rộng vào thời gian ngắn.
Trong khi đó, an ninh cung cấp than gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tài nguyên xuống thấp, khai thác khó khăn; phải nhập khẩu than để đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Với dầu mỏ và khí đốt, tình hình biển Đông cũng đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí; trữ lượng, tiềm năng dầu khí ở vùng nước nông không còn nhiều; sản lượng dầu khai thác giảm mạnh. Tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam thấp hơn yêu cầu (tối thiểu 90 ngày nhập ròng). Các mỏ khí đang khai thác suy giảm; các mỏ khí mới chậm so với tiến độ yêu cầu, ông Vy nói thêm.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi như: Tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; Sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng. Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn.... Những yếu tố này cho thấy, các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.  
Nguyên nhân chủ yếu được Bộ Công Thương nhận định là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh. Tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành. Một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai…
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cần thiết sửa đổi Luật Điện lực để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vận hành hệ thống tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, phát triển thị trường điện; xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc đầu tư, vận hành năng lượng tái tạo, tạo chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Văn Vy cũng cho rằng, về giải pháp phía nguồn cung, cần kết hợp phát triển các nguồn linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi; thực hiện liên kết lưới điện với các nước trong khu vực và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, cải tạo hệ thống lưới điện truyền tải. Cùng với đó là giải pháp quản lý phía cầu, tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục