Tìm giải pháp nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng

14:55' - 15/03/2018
BNEWS Thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện; trong đó, năm 2017 tăng 14 bậc và đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.

Hội nghị quốc tế Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng” do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng ngày 15/3 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, mục tiêu của dự thảo Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ có tính vượt bậc so với các năm trước.

Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, để đạt được mục tiêu, các cấp, các ngành của Việt Nam cần phải nỗ lực vượt bậc nếu không thì khó có thể cải thiện môi trường kinh doanh.

Nghị quyết 19/NQ-CP (Nghị quyết 19) được thưc hiện bắt đầu từ năm 2014 đến nay đã trải qua 4 năm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm nổi bật của Nghị quyết 19 là lần đầu tiên chúng ta định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng hoàn cầu. Đồng thời, xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.

Cách làm nói trên đã thể hiện cách tiếp cận mới của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, tích cực ủng hộ, tham gia thực hiện. Đồng thời, cũng giúp đo lường và theo dõi được mức độ cải thiện và khoảng cách về môi trường kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua Nghị quyết 19 trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện; trong đó, năm 2017 tăng 14 bậc và đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực trong cải thiện môi trưởng kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Năm 2017, Bộ Công Thương đã chủ động cắt bỏ 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh do bộ quản lý. Trong số đó, có rất nhiều điều kiện kinh doanh tồn tại đã lâu và kiên quyết không cắt bỏ sau nhiều lần đề xuất.

Cùng với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế… cũng rất tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động.

Không chỉ các bộ, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, Nghị quyết 19 đã tạo ra phong trào cải thiện môi trường kinh doanh cũng phát triển mạnh mẽ ở các địa phương trên cả nước. Hầu hết các địa phương đều thực hiện các chương trình đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp hoạt động đóng góp vào nền kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cũng cho rằng, tốc độ triển khai về cải thiện môi trường kinh doanh chưa được đồng đều, một số nơi còn thực hiện chậm. Do đó, nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong cải thiện môi trường kinh doanh vẫn diễn ra phổ biến ở các cấp, ngành và địa phương trên cả nước. Điều này tạo ra sự không đồng đều, nhiều mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh đặt ra nhưng không đạt được. Chẳng hạn, chưa đạt được mục tiêu trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh; chỉ số điều kiện kinh doanh bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành.

Bà Catherine Kadennyeka Masinde, Trưởng nhóm tư vấn toàn cầu về các quy định kinh doanh (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, một trong những lý do khiến Việt Nam không đạt được một số mục tiêu tại Nghị quyết 19 là do trách nhiệm giải trình của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết còn hạn chế.

Bà Catherine Kadennyeka Masinde bày tỏ, trong khi Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh thì các quốc gia trong khu vực, điển hình như Singapore cũng rất tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, để đạt được kết quả tốt nhất, bên cạnh việc nỗ lực của các cấp chính quyền, Việt Nam cần nâng cao trách nhiệm giải trình.

Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 19/2018/NQ- CP với những yêu cầu, mục tiêu cao hơn, nhằm cải cách mạnh mẽ, đồng đều hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn đến nền kinh tế.

Cụ thể, về chỉ số, tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, không cải thiện đáng kể trong mấy năm qua, nhất là vấn đề khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới. Hoàn thành mục tiêu bãi bỏ từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh ở tất cả các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế. Cùng với đó, hoàn thành cơ bản mục tiêu giảm số hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan xuống còn 10%; hoàn thành cơ bản mục tiêu giảm ít nhất 1/2 danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành…

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung ứng tất cả các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4. Cùng với đó, chỉ đạo bắt buộc tất cả các bộ, ngành phải kết nối tất cả thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Để thực hiện Nghị quyết 19/2018, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia kết hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp, thực hiện đánh giá, khảo sát thực tế, cung cấp bằng chứng và tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đầy đủ mục tiêu của Nghị quyết.... TS Nguyễn Đình Cung cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục