Tìm giải pháp thoát nước và xử lý nước thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long

18:29' - 10/05/2022
BNEWS Các đô thị Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do tốc độ tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị lớn.

Ngày 10/5, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (Tổ chức GIZ) tại Việt Nam tổ chức hội thảo thu gom nước thải, thoát nước bền vững và giải pháp chống ngập đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo, các diễn giả đã giới thiệu tổng quan quy định về thoát nước và xử lý nước thải, thảo luận kinh nghiệm xây dựng giá dịch vụ thoát nước tại một số địa phương và hướng dẫn xây dựng đề án chống ngập đô thị và mô hình thoát nước bền vững.

 

Các đô thị Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do tốc độ tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị lớn. Thế nhưng, thoát nước và xử lý nước thải chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa.

Theo ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hệ thống thoát nước các khu dân cư thuộc các đô thị lớn, các lưu vực sông chủ yếu là hệ thống thoát nước chung.

Nước thải sinh hoạt cùng với nước mưa được xả trực tiếp ra các cống, kênh, rạch vào các sông chính của lưu vực. Đa số nước thải từ nhà vệ sinh được xử lý sơ bộ trong các bể tự hoại của mỗi hộ gia đình trước khi xả vào hệ thống thoát nước công cộng.

Tỷ lệ đấu nối thu gom nước thải của hệ thống thoát nước bao phủ trung bình là 64%. Tỷ lệ đường ống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới, trung bình khoảng năm 0,5m/người so với thế giới là 2m/người. Đến nay tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt khoảng 15%.

Trên cả nước có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày.

Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam ưu tiên, quan tâm và nỗ lực tiến hành các hoạt động nhằm cải thiện điều kiện thu gom và xử lý nước thải, nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống thoát nước. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Luật Cấp thoát nước.

Việc xây dựng Luật Cấp thoát nước là hết sức cần thiết, làm công cụ pháp lý, quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả cao góp phần đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chiến lược, đồng bộ, hiện đại.

Cục Hạ tầng kỹ thuật và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức đã hợp tác, hỗ trợ cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong việc lập tính toán, xây dựng đề xuất giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; hướng dẫn nghiên cứu xây dựng đề án chống ngập đô thị; xây dựng thí điểm mô hình thoát nước bền vững; hỗ trợ chuyên gia nghiên cứu nội dung Thông tư số 15/2021/TT- BXD ngày 15/12/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung.

Các  đơn vị huy động các nguồn vốn cho đầu tư và vận hành hệ thống thoát nước đô thị, nâng cao dịch vụ thoát nước đô thị, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường cần có sự quan tâm và vào cuộc của các chính quyền đô thị. Một trong những biện pháp đó là áp dụng chính sách chia sẻ chi phí thông qua áp dụng giá dịch vụ thoát nước.

Dịch vụ thoát nước là một loại dịch vụ hạ tầng đô thị quan trọng có tác dụng cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng và bảo vệ môi trường tự nhiên. Cụ thể hơn, dịch vụ thoát nước thúc đẩy điều kiện vệ sinh, nhờ vậy, làm giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật của con người, cũng như bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu sự tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái.

Theo đó, người gây ô nhiễm phải trả tiền dịch vụ. Giá dịch vụ thoát nước được xác định trên nguyên tắc hướng tới thu hồi chi phí để duy trì dịch vụ thoát nước và phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ của các đô thị, phù hợp với mức độ đầu tư, chất lượng dịch vụ, có sự khác biệt đối với từng loại khách hàng trên cơ sở khối lượng nước thải và mức độ ô nhiễm của nước thải và phải có khả năng bù chéo...

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Ngọc Bích, chuyên gia tài chính Tổ chức GIZ, nguồn tiền chi cho vận hành hệ thống thoát nước, tiền thu từ người sử dụng dịch vụ (thông qua phí bảo vệ môi trường) còn rất thấp, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn chính cho vận hành hệ thống thoát nước.

Do khó khăn về ngân sách, tiền chi cho vận hành hệ thống thoát nước trong thời gian qua rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân đô thị mà nhiều hệ thống thoát nước ở các đô thị bị xuống cấp nghiêm trọng do không có vốn duy tu bảo dưỡng.

Như vậy, để tính đúng tính đủ chi phí vận hành hệ thống thoát nước cần phải tiến hành xác định được đầy đủ khối lượng công việc liên quan đến vận hành hệ thống thoát nước; xác định chi phí dịch vụ thoát nước; xác định giá thành thu gom và xử lý nước thải; đề xuất lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước.

Thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng Duyên hải Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2, từ năm 2017 - 2022, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam (Tổ chức GIZ) đã xây dựng quản lý ngập úng thí điểm tại ba đô thị Đồng bằng sông Cửu Long là Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Giải pháp được thực hiện là xây dựng hoa viên tạo cảnh quan và điểm dừng chân cho người đi bộ (gồm vườn thu nước mưa, bể chứa ngầm, vỉa hè thấm nước) đã góp phần tiêu thụ nước, giảm chi phí thường xuyên (tiền điện để bơm hoặc làm mát).

Đồng thời, cải thiện quản lý nước thải, cải thiện cảnh quan, tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí, bổ sung lượng nước ngầm, giảm thiểu lượng không khí, giảm thải ô nhiễm nước đối với vùng nước tiếp cận, giảm nguy cơ ngập lụt, tăng cường an ninh nước sạch...

"Dự án đã đạt mục tiêu đề ra, mang lại kết quả thiết thực và bền vững. Các mô hình này đã góp phần cho người dân được hưởng một môi trường xanh, sạch, cuộc sống ngày càng cải thiện hơn vì đã có giải pháp chống ngập úng, nước thải đô thị đã bước đầu được xử lý", bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện xây dựng khung chính sách toàn diện để phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước, chống ngập úng thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng thoát nước bền vững, làm nền tảng cho các đô thị xanh, đô thị thông minh trong tương lai./.

>>Nhiều khu công nghiệp “bỏ quên” đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục