Nhiều khu công nghiệp “bỏ quên” đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung

13:22' - 15/09/2021
BNEWS Tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 6 khu công nghiệp; trong đó, chỉ có Khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy) là có nhà máy xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế, hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của địa phương cũng như môi trường sinh thái bền vững xung quanh các khu công nghiệp.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 6 khu công nghiệp; trong đó, chỉ có Khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy) là có nhà máy xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh. Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 1,2 có diện tích 185 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 98%, trạm xử lý nước thải tại đây có công suất 6.500 m3/ngày đêm.

Hiện nay, khu công nghiệp này đang mở rộng giai đoạn 3,4 với tổng diện tích 463 ha. Những khu công nghiệp khác như Phong Điền, La Sơn, Tứ hạ, Quảng Vinh, Phú Đa đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Mặc dù, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có Quyết định 19/2017/QĐ-UBND hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư cụm công trình đầu mối nhà máy xử lý nước thải, tối đa không quá 10 tỷ đồng, tuy nhiên, vẫn không khuyến khích được các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hoàn thiện hạng mục này theo quy định.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế, nguyên nhân của thực trạng nêu trên là việc thu hút doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp đạt tỷ lệ thấp nên các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chậm xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Chẳng hạn, Khu công nghiệp Phong Điền được thành lập từ năm 1998, có tổng diện tích quy hoạch rộng 700 ha, gồm khu A, B, C, Viglacera. Hiện nay, khu C mới có 3 nhà máy hoạt động, khu B có 1 nhà máy hoạt động, khu Viglacera mới thu hút được 1 dự án, khu A chưa có nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp.

Tình trạng này cũng tương tự ở Khu công nghiệp Tứ Hạ có diện tích quy hoạch phê duyệt là 126 ha, mới thu hút nhà đầu tư hạ tầng xây dựng 37 ha và đang có 2 nhà máy hoạt động; Khu công nghiệp La Sơn quy hoạch 300 ha, mới có một nhà đầu tư hạ tầng xây dựng 120 ha và đang có 2 nhà máy vận hành; Khu công nghiệp Quảng Vinh và Phú Đa chưa có nhà đầu tư hạ tầng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trên cơ sở diện tích quy hoạch đã được phê duyệt, các nhà đầu tư hạ tầng sẽ thuê lại của Nhà nước xây dựng đường, điện, hệ thống nước…

Sau đó, cho các doanh nghiệp sản xuất thuê lại mặt bằng này theo giá thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên do các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp “vắng khách hàng” nên một thời gian dài vấn đề đầu tư hệ thống nước thải tập trung dường như bị "bỏ ngỏ" vì chi phí lớn, khoảng 100 tỷ đồng/một trạm xử lý nước thải tập trung.

Ngoài ra, trước đây do vấn đề ưu đãi kêu gọi thu hút nhà đầu tư nên có thực trạng khu công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng nhưng địa phương vẫn cấp phép cho các nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà máy hoạt động, chẳng hạn như trường hợp ở Khu công nghiệp Phú Đa hiện nay có 4 doanh nghiệp đang sản xuất.

Còn có một “nghịch lý” khác là dù đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm hệ thống xử lý nước thải tập trung quy mô lớn nhưng có nơi vẫn luôn trong tình trạng “đói nước”. Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có nhà máy xử lý nước thải với công suất 4.900 m3/ngày đêm do ngân sách nhà nước đầu tư, nhưng nay chỉ phục vụ cho 5 nhà máy đang hoạt động với công suất xử lý nước thải gần 100 m3/ngày đêm.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang đốc thúc các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải sớm xây dựng hoàn chỉnh trạm xử lý nước thải tập trung trong năm 2022 để đảm bảo theo quy định pháp luật.

Đối với Khu công nghiệp Phong Điền, ở khu C và khu Viglacera đang triển khai thủ tục đầu tư trạm xử lý nước thải công suất lần lượt 4.000 m3/ngày đêm, 2.000 m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành trong quý 2/2022.

Khu công nghiệp Tứ Hạ dự kiến hoàn thành trạm xử lý nước 500 m3/ngày đêm vào quý 4/2021; Khu công nghiệp La Sơn dự kiến đưa vào hoạt động trạm xử lý nước 3.000 m3/ngày đêm vào quý 2/2022./.

>>>Ninh Bình: Nhà máy xử lý nước thải hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục