Tìm giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc

12:26' - 09/01/2023
BNEWS Việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1/2023 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm 2023.

Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc” là chủ đề chính hội nghị diễn ra ngày 9/1, tại Quảng Ninh do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và hơn 200 doanh nghiệp du lịch trong cả nước tham dự. 

Sau hai năm hoạt động du lịch bị đình trệ vì COVID-19, Việt Nam mở cửa toàn diện du lịch từ 15/3/2022 nhưng lượng khách quốc tế đến còn thấp. Một trong những nguyên nhân tác động đến thị trường khách quốc tế của Việt Nam là chính sách Zero-COVID - rào cản ngăn người dân Trung Quốc du lịch nước ngoài.

Trước đại dịch, Trung Quốc vốn là một trong những thị trường gửi khách lớn nhất đối với Việt Nam, với 5,8 triệu lượt vào năm 2019. Do đó, sự kiện Trung Quốc mở cửa biên giới với khách quốc tế từ ngày 8/1/2023 là tín hiệu tích cực với ngành du lịch Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Trung Quốc là một trong những thị trường nguồn khách quốc tế  lớn và quan trọng nhất thế giới. Các nước trong và ngoài khu vực đều có những đầu tư, biện pháp cạnh tranh, đẩy mạnh khai thác thị trường này.

Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới đường bộ, đường biển. Quan hệ hai nước về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... được chú trọng, củng cố; kết nối hàng không, đường bộ, đường biển thuận lợi là những điều kiện cho hợp tác phát triển du lịch trao đổi khách giữa hai nước.

Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng là 17% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã áp dụng chính sách Zero COVID - đóng cửa gần như hoàn toàn với thế giới. Điều này đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Kể từ khi mở lại hoạt động du lịch từ tháng 3/2022, du lịch Việt Nam đã và đang hoạt động nhộn nhịp trên cả nước. Những cố gắng và nỗ lực phục hồi, phát triển du lịch của các cơ quan quản lý từ cấp trung ương tới địa phương, chung tay đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã giúp ngành du lịch đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Năm 2022, khách du lịch nội địa đạt trên 101 triệu lượt, tăng 68% so với kế hoạch năm và tăng 19% so năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch năm 2022.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa phục hồi. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,6 triệu lượt, đạt 70% kế hoạch năm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ vẫn còn hoạt động khó khăn.

Bên cạnh nguyên nhân do tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, xung đột Nga - Ukraine... thì việc thị trường du lịch Trung Quốc đóng băng cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn chưa đạt như kỳ vọng, kế hoạch.  

Việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1/2023, đây là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm 2023.

Khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, sẽ được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành, cũng như các địa phương, các doanh nghiệp đã và sẽ tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ du lịch cho thị trường này.

Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Việt Nam cần sớm có sự chuẩn bị để đón tiếp và khai thác hiệu quả khách du lịch Trung, đồng thời đảm bảo thực hiện các quy định nghiêm chỉnh về phòng chống COVID-19.

Theo ông Bình, trong quá trình đón và phục vụ khách Trung Quốc, còn nhiều vấn đề tồn tại. Tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour 0 đồng), tình trạng kinh doanh núp bóng, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa; các cửa hàng, khách sạn, công ty lữ hành chui đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi lộn xộn, không quản lý được, khiến nhiều khách Trung Quốc không hài lòng, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bị hiểu sai.

“Những việc làm trên đã gây bức xúc cho xã hội, làm ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành du lịch, cho hình ảnh đất nước”, ông Bình nhận xét.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, đánh giá cao Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng với tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp và đối tác liên quan đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam”, nội dung này rất phù hợp với bối cảnh Trung Quốc cho phép mở lại các hoạt động du lịch từ ngày 8/1/2023.  Điều đó cũng có nghĩa du lịch Việt Nam chuẩn bị đón một lượng lớn khách nước ngoài là người Trung Quốc sau hơn 2 năm bị hạn chế vì lý do đại dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn luôn tồn tại song song là những thách thức không nhỏ, bởi 3 năm đại dịch COVID-19 đã mang đến rất nhiều thay đổi từ nội tại ngành du lịch của chúng ta như sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... cho đến đối tượng khách hàng, thói quen, nhu cầu, sở thích, cũng như phương thức tiếp cận...

Để chuẩn đón đầu việc Trung Quốc mở cửa trở lại, góp phần tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh, đi du lịch Việt Nam bằng đường bộ, đường không và đường thủy một cách thuận tiện nhất có thể. Đặc biệt là các địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc và giàu tiềm năng du lịch như tỉnh Quảng Ninh.

Các địa phương, công ty du lịch chủ động kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn, đặc biệt là những sân bay, thành phố trước đây là những trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam sôi động nhất;  xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch. Trên thực tế, sau đại dịch COVID-19, nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn thế giới đã có nhiều thay đổi. Trong đó khách Trung Quốc cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này.

Các địa phương cần đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất như cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch... Nhất là những cơ sở vật chất xuống cấp do điều kiện khí hậu không tốt và tần suất sử dụng thấp trong thời gian diễn ra đại dịch.

Kết nối thị trường, xúc tiến, quảng bá, các địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch, đầu tư, kết nối lại thị trường, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc trong việc giới thiệu, tổ chức cho khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam; tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm, du lịch, đón các đoàn famtrip, KOL từ thị trường Trung Quốc...

Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như weibo, douyin, xigua... Phát triển trang web giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Trung để tiếp thị tới thị trường này.

Tại hội nghị các đại biểu đã lắng nghe các tham luận về những vấn đề ngành du lịch đang quan tâm như khôi phục thị trường Trung Quốc, bài học kinh nghiệm và đề xuất, khôi phục đường bay Việt Nam – Trung Quốc để thu hút khách Trung Quốc, tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa phục vụ khách du lịch Trung Quốc, Nâng cao vai trò của hướng dẫn viên trong phục vụ khách du lịch Trung Quốc.

Bên cạnh đó các tham luận về tăng cường chất lượng dịch vụ của các công ty lữ hành trong phục vụ khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc. Các đại biểu tham gia hội nghị cũng sẽ trao đổi với các diễn giả, đề xuất giải khai thác hiệu quả khách du lịch Trung Quốc./.

>>> Quảng Ninh: Thí điểm phát Wifi miễn phí, quét QrCode thông tin du lịch ở Móng Cái

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục