Tìm lời giải cho ngành chế biến điều

14:15' - 04/11/2017
BNEWS Nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến điều đang có gần 70% là phải nhập khẩu, thậm chí do mất mùa, năm 2017 con số này có thể lên tới 80-90%.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn chỉ ra: “Nếu nhập khẩu nguyên liệu lớn như vậy thì sẽ không thể đảm bảo an ninh cho ngành hàng này”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: TTXVN.

Từ khi tham gia xuất khẩu vào năm 1988, ngành điều Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường thế giới, khẳng định được vị thế. Đặc biệt từ năm 2006 đến nay Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới. Riêng năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 347.000 tấn điều, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới.

Tuy đứng đầu thế giới trong xuất khẩu điều nhưng Việt Nam chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích điều của Việt Nam giảm liên tục trong 8 năm từ năm 2007 (440.000 ha) xuống còn 290.000 ha vào năm 2015. Năm 2016 có dấu hiệu phục hồi trở lại với 293.000 ha và dự kiến năm 2017 đạt khoảng 300.000 ha.

Hiện diện tích điều trong vùng quy hoạch già cỗi, lẫn giống sinh trưởng kém, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất không cao, đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành điều. Diện tích điều tập trung chiếm 61,7%, phân tán chiếm 38,3%, trình độ thâm canh chưa cao dẫn đến năng suất điều chưa cao, không ổn định và chưa đồng đều giữa các vùng.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc chọn tạo giống chưa được quan tâm đúng mức. Từ năm 1999 đến nay mới có 13 giống điều được chọn tạo và công nhận cho sản xuất thử, chưa có giống được công nhận chính thức cho sản xuất. Đặc biệt, trong sản xuất còn chưa coi trọng biện pháp tưới nước tiên tiến và trồng xen để tăng hiệu quả sản xuất.

Bởi vậy, năng suất điều không tăng, thậm chí giảm. Đến cuối tháng 8/2017, năng suất điều bình quân cả nước đạt 7,55 tạ/ha, giảm 31,36% so với năm 2016.

Trong khi đó, theo dự báo hiện nay nguồn cung điều thô tăng 3,5%/năm không thể đáp ứng cầu tăng 6%/năm do mất mùa, hạn hán, biến đổi khí hậu. Giá điều thô tăng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

Ông Lê Văn Liền – chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, ngành điều thế giới đang đối diện với rủi ro do mất mùa gây tổn thất cho cả chuỗi giá trị, cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của hạt điều so với các loại hạt khác.

Theo ông Lê Văn Liền, nguồn cung điều thế giới tăng trưởng chậm là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu điều cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ngành điều Việt Nam đang sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao, năng suất cây điều có thể lên tới 2,5-3 tấn/ha.

Để có được điều này, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, tái canh, trồng mới là biện pháp quan trọng nhằm đổi mới vườn điều, trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Mặt khác tái canh góp phần hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Việc tổ chức hợp tác sản xuất trong ngành điều là rất cấp thiết. Bởi hiện doanh nghiệp chưa liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu; chưa hình thành hệ thống thu mua điều trực tiếp từ nông dân, giá cả thiếu ổn định. Do đó, địa phương, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hội Điều các tỉnh vận động các doanh nghiệp thành viên xúc tiến liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đứng trước thách thức lớn là năng suất, diện tích của cây điều giảm, nếu không có giải pháp thì diện tích sẽ tiếp tục giảm, năng suất mặc dù so với thế giới có cao song so với yêu cầu cải thiện đời sống của người nông dân thì chưa đáp ứng được.

“Nếu không gỡ được nút thắt này sẽ đem đến nguy cơ, rủi ro cho ngành công nghiệp chế biến điều và đời sống của nông dân. Từ sản xuất cho đến lưu thông, đây là khâu yếu nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để phát triển cây trồng thế mạnh này ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Huỳnh Anh Minh cho biết, tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi cũng như sẵn sàng phối hợp cùng Tập đoàn PAN đẩy mạnh tái canh 10.000 ha điều. Tập đoàn liên kết với người nông dân qua hợp tác xã trong quá trình vận hành mô hình. Sau đó nhân rộng mô hình và chuyển giao công nghệ cho các hộ và hợp tác xã trong vùng.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho biết, Tập đoàn đề xuất triển khai mô hình liên kết với nông dân; trong đó có tạo liên kết 4 nhà. Tập đoàn sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn, cả mô hình thí điểm và cam kết bao tiêu đầu ra. Cùng với đó là phối hợp với cơ quan nhà nước để tạo liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Phát triển “cánh tay” nối dài trong liên kết, Tập đoàn sẽ cùng với hợp tác xã, khuyến nông giúp nông dân tuân thủ các nguyên tắc để sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện điều vẫn được coi là cây của người nghèo vì không có doanh nghiệp lớn nào vào đầu tư phát triển cây điều mà chủ yếu vẫn tự nông dân trồng. Mà nông dân trồng điều lại ở đồi núi, nghèo và đời sống rất khó khăn. Bởi vậy cần phải liên kết doanh nghiệp không chỉ ở khâu chế biến phân phối mà ngay từ sản xuất nguyên liệu, cùng nhà nước vào cuộc với nông dân để tái canh, thực hiện theo quy trình sản xuất.

“Cần tập trung cả 3 trục: chính sách nhà nước, doanh nghiệp vào cuộc, nông dân đồng hành. Chính sách không phải là nhà nước cho tiền mà lôi kéo doanh nghiệp vào cuộc, cùng với đó là các hệ thống khuyến nông, hợp tác xã… đưa giống mới, cho đến quy trình sản xuất tốt. Cùng nông dân đưa vùng nguyên liệu phát triển không phải là tăng diện tích mà phải tăng cả sản lượng, chất lượng của cây điều”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục