Tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 45.000 hộ dân tại Hà Nam thoát nghèo

20:23' - 31/03/2022
BNEWS Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam về tình hình thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Chiều 31/3, đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam do ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam về tình hình thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Theo bà Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ đến 28/2/2022 đạt hơn 2.281 tỷ đồng với gần 46.200 khách hàng đang còn dư nợ.

Tổng doanh số cho vay đạt hơn 7.700 tỷ đồng với trên 404.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao, đến 28/2/2022, nợ xấu chỉ chiếm 0,18% tổng dư nợ.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 giảm từ 5,81% năm 2015 xuống còn 1,55% năm 2021.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 45.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo và duy trì việc làm cho 30.000 lao động; trên 1.100 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; hơn 55.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 3.500 ngôi nhà cho hộ nghèo…

Từ hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua đã khắc phục các hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn không biết cách sử dụng vốn đến ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Mặt khác, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tổ chức triển khai kịp thời, đúng quy định, có hiệu quả các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ tại địa phương; ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện đề án cho vay nhà ở xã hội và đề án cho vay hỗ trợ việc làm.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, thường xuyên điều tra, rà soát đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định; phối hợp lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn với chương trình tín dụng chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam, bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác, đồng thời cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Hà Nam đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; tăng cường nguồn vốn từ Trung ương để hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Về phía tỉnh Hà Nam, cấp ủy, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục tiếp tục thực hiện hiệu Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Nghị quyết, Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; xây dựng, triển khai các Đề án hỗ trợ vốn tín dụng chính sách phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để cùng với nguồn vốn của Trung ương thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục