Tín dụng chính sách xã hội “trợ lực” cho hơn 27.000 hộ thoát nghèo ở Bình Dương

21:41' - 08/08/2024
BNEWS Trong 10 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách ở tỉnh Bình Dương đã giúp 27.497 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 227.166 lao động và hỗ trợ hàng nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 8/8, Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

 

Qua 10 năm triển khai, Chỉ thị số 40-CT/TW đã giúp công tác tín dụng chính sách xã hội tại Bình Dương đạt được những kết quả nổi bật. Từ đó, quy mô và chất lượng tín dụng chính sách xã hội không ngừng được nâng cao, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội cấp tỉnh và huyện ngày càng ổn định và phát triển.

Theo ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 4.733 tỷ đồng, tăng gần 3,5 lần so với năm 2014. Đặc biệt, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 1.987 tỷ đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn và tăng gần 30 lần so với năm 2014.

Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Trong 10 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách đã giúp 27.497 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 227.166 lao động và hỗ trợ hàng nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà Bình Dương đã đạt được trong việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW. Ông Hoàng Minh Tế đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để triển khai hiệu quả hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là trong giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời kiến nghị Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo, điều chỉnh và bổ sung các chính sách liên quan để phân bổ nguồn lực phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả của chương trình tín dụng chính sách xã hội; đồng thời quy định liên quan đến đối tượng, định mức cho vay, thời gian vay, điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng, miền để phân bổ nguồn lực phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả của chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục