Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD

18:03' - 12/04/2024
BNEWS Chiều 12/4, tại thành phố Hải Phòng, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo "Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD".

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú dự và điều hành Hội thảo.

* "Trợ lực" giúp doanh nghiệp vượt khó

Với tinh thần đồng hành và chia sẻ, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài các giải pháp miễn giảm, gia hạn thuế, phí, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thực hiện gói tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, giúp ngành nông nghiệp giữ vững vị thế trụ đỡ của nền kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.

Dù mới chỉ được triển khai từ giữa tháng 7/2023 và đến tháng 6/2024 mới hết hạn nhưng Chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản đã hoàn thành giải ngân 100% mục tiêu của chương trình. Để dòng vốn tiếp tục chạy mạnh vào nền kinh tế; trong đó, có ngành lâm, thuỷ sản, cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn chung của ngành lâm - thuỷ sản.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do đó, về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn; trong đó, có ngành lâm sản, thủy sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, cũng như hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp lâm sản và thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất trong thời gian tới, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2024, tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngày 20/2/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các Tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng để trở thành gói 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại.

Đến nay các ngân hàng thương mại đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỷ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay Chương trình (theo quy mô 30.000 tỷ đồng) với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn.

Trong số đó, doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản đạt trên 13.000 tỷ đồng, chiếm 74,3% tổng doanh số cho vay với trên 5.000 lượt khách hàng vay vốn, đối với ngành hàng lâm sản đạt trên 4.450 tỷ đồng, chiếm 25,7% tổng doanh số cho vay với trên 1.460 lượt khách hàng vay vốn. Việc giải ngân cho vay tập trung phần lớn đối tượng khách hàng doanh nghiệp chiếm gần 83% tổng doanh số cho vay, khách hàng cá nhân, hộ gia đình chiếm 17%.

 

*Chờ tiếp cận vay vốn lãi suất thấp

Là một trong 6.000 lượt khách hàng được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi, ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập, khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết, trong 4 năm qua doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như hứng chịu tác động của dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị dẫn đến thị trường biến động. Đối với công ty sản phẩm hàng hóa chủ yếu để xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu như công ty của ông Việt, việc hai thị trường này gặp biến động lớn về suy thoái kinh tế đã khiến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao, sản xuất và bán hàng gặp phải rất nhiều khó khăn.

"Đối với Công ty Xuất nhập, khẩu thủy sản Thanh Hóa riêng và với doanh nghiệp Việt Nam nói chung nguồn vốn, nhất là vốn lưu động phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng của các ngân hàng. Vì vậy, tác động của chính sách về tín dụng đối với công ty có ảnh hưởng rất lớn. Công ty Xuất nhập, khẩu thủy sản Thanh Hóa thật sự may mắn khi được Nhà nước quan tâm nên có thể duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên, liên tục" - ông Lê Quý Việt chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, thị trường đang có tín hiệu tích cực hơn, khi những bất ổn của năm cũ đang giảm dần, lạm phát được kiểm soát tốt hơn, tồn kho tại các thị trường đang ít đi, giá xuất khẩu tăng dần trở lại cùng với những biến động địa chính trị khác cũng mang lại cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam.

Dự báo nửa cuối năm nay, triển vọng thị trường sẽ sáng sủa hơn. Do vậy, "các chương trình hạ lãi suất và gói tín dụng cho ngành thủy sản, lâm sản là cần thiết và kịp thời nhằm thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp và bà con nông ngư dân quay vòng vốn đầu tư sẵn sàng cho sản xuất khởi sắc trở lại. Qua khảo sát sơ bộ của hiệp hội, ngành hàng, mong chờ được tiếp cận vay vốn lãi suất thấp, phù hợp (cả USD và Việt Nam đồng), cũng như được tiếp cận nhiều hơn vào chương trình gói tín dụng ý nghĩa này.

"Ngoài vấn đề tín dụng lãi suất thấp, ngành thủy sản hiện còn rất nhiều khó khăn, cần đến sự nỗ lực của cả cộng đồng doanh nghiệp thủy sản và các Cơ quan Nhà nước là các vấn đề về thị trường; cải cách thủ tục hành chính; sự vào cuộc hiệu quả của các cơ quan Nhà nước Trung ương và địa phương và giá thành sản xuất. Ngoài ra, các ngân hàng xem xét tăng tỉ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu lên ít nhất 50% tổng dư nợ, thay vì khoảng 27-28% trong gói 15.000 tỷ đồng vừa qua" - ông Nam nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội thảo.Ảnh: Minh Hằng/BNEWS/TTXVN

*Cam kết đồng hành

Ngay sau khi Gói tín dụng hỗ trợ ngành lâm, thủy sản được triển khai, đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Liên Việt (LPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Sài gòn- Hà Nội (SHB).

Theo Ngân hàng Nhà nước, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Tham gia vào gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, Agribank đã nhanh chóng giải ngân cho vay đạt quy mô 3.000 tỷ đồng theo cam kết và hoàn thành triển khai Chương trình ngay thời điểm cuối tháng 11/2023. Dù việc triển khai cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Agribank đạt được những kết quả khả quan nhưng trong quá trình triển khai mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn. Đơn cử như việc phát triển các chuỗi liên kết giá trị hiện nay thiếu doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết. Tại địa phương chưa có chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng.

Bên cạnh đó, hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền. Chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ, tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp nên khi gặp những tranh chấp diễn ra, không có cơ sở pháp lý để giải quyết, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có khó khăn trong kiểm soát hồ sơ giải ngân vốn vay như phong tục tập quán địa phương việc mua sản phẩm của người dân không có hóa đơn, chứng từ và phần lớn sử dụng thanh toán tiền mặt.

Ngân hàng kiến nghị, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu. Đồng thời, tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý.  Ngoài ra, các sở, ban, ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với ngành ngân hàng trong việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp được kịp thời.                                                                            

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục