Tín dụng với người hoàn lương: Điểm tựa tái hòa nhập cộng đồng

14:36' - 11/10/2023
BNEWS Nguồn vốn vay này được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, cải thiện cuộc sống, làm giàu cho bản thân và gia đình.

Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, ngay khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/10, đơn vị đã triển khai ngay việc giải ngân tín dụng với vốn vay 100 triệu đồng/người cho 3 hộ đầu tiên của tỉnh Tây Ninh.

Với nguồn vốn vay này được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, cải thiện cuộc sống, làm giàu cho bản thân và gia đình.

Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, kể từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Theo đó, đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Về điều kiện vay vốn, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận; thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm.

 

Ngay trong ngày đầu tiên chính sách này bắt đầu có hiệu lực, tại điểm giao dịch xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, ông Lương Thanh Hồng dẫn theo con trai Lương Hoài Ân (33 tuổi, ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) hoàn tất thủ tục và nhận về khoản vay 100 triệu đồng từ chính sách này. Anh Lương Hoài Ân cũng là một trong những người đầu tiên ở tỉnh Tây Ninh được giải ngân nguồn vốn vay này. 

Ông Hồng xúc động cho biết, Hoài Ân - con trai ông đã trải qua khoảng thời gian lầm lỡ của cuộc đời. Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, Hoài Ân chí thú làm ăn, phụ quán ăn cùng vợ con. Khi chính sách vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg được triển khai, gia đình ông Hồng cùng Hoài Ân như được tiếp thêm sức mạnh để vực dậy trong cuộc sống tương lai.

Ông Tô Ngọc Xiêm, ngụ ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên dọn đất để chuẩn bị trồng hơn 6 ha cây keo từ nguồn vốn vay. Ảnh: Giang Phương - TTXVN
Hơn 1 tuần qua, cha con ông Hồng – Ân không quản ngại thời tiết khắc nghiệt ở vùng biên giới, cố gắng dọn sạch mảnh đất hơn 2,5 ha đất của gia đình nằm ở xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên để chuẩn bị trồng cao su từ nguồn vốn vay. Ông Hồng chia sẻ: “Với khoản vốn vay này, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho gia đình tôi, đặc biệt cho con tôi có cơ hội vươn lên, làm lại cuộc đời”. Anh Hoài Ân xúc động nói thêm: “Tôi nhất định sẽ phát triển kinh tế gia đình từ khoản vay quý giá này dành cho tôi”.

Còn với vợ chồng anh Tô Ngọc Xiêm, 38 tuổi, ngụ ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, với khoản vay vốn 100 triệu đồng vừa được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Tây Ninh giải ngân, gia đình anh đầu tư cây keo giống trồng phủ trên 6 ha đất của gia đình. Anh Xiêm trải lòng, với khoản vay này, gia đình anh sẽ cố gắng hơn nữa để ổn định cuộc sống.

Theo ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh để thực hiện tốt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đã chủ động phối hợp với Công an, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các cơ quan có liên quan tuyên truyền, phổ biến. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về chính sách cho vay người chấp hành xong án phạt tù đến các cấp, các ngành và người dân biết để thực hiện.

Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với công an các cấp, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và UBND cấp xã rà soát đối tượng người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn để lập danh sách để kịp thời giải ngân cho vay. Qua rà soát, thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh, đến nay trên địa bàn tỉnh có 98 trong tổng số 2.803 người chấp hành xong án phạt tù đang có nhu cầu vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.

Cũng theo ông Đào Anh Tuấn, khi triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh mong muốn với nguồn vốn được vay sẽ giúp người hoàn lương có được công ăn, việc làm ổn định, có vốn sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả nguồn vốn để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng, đồng thời phòng ngừa tái phạm việc vi phạm pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục