Tín hiệu lạc quan trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung

06:30' - 26/01/2019
BNEWS Tạp chí The Diplomat mới đăng bài viết với tiêu đề “Các nhà chiến lược kinh tế Trung Quốc sẽ đàm phán thương mại tại Washington”.

No Title

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Nội dung bài viết nhận định rằng cuối cùng, các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp gỡ trực tiếp để đàm phán tại Washington trong tháng 1./2019. Đây là tín hiệu cho thấy những tiến triển để chấm dứt một cuộc chiến thuế quan tốn kém đánh vào tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. 

Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sự kiện sẽ diễn ra trong hai ngày 30-31/1, đây là bước đi tiếp theo sau cuộc đàm phán cấp thấp giữa hai bên tại Bắc Kinh đầu tháng Một vừa qua.

Chiến lược gia kinh tế Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc được Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer mời tham gia đàm phán. Các nhà kinh tế và doanh nghiệp cho rằng việc ông Lưu Hạc và Robert Lighthizer tham gia cho thấy các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật đã đạt được đủ tiến bộ để tiến tới đàm phán chính trị cấp cao hơn.

Trong cuộc chiến chống Mỹ, nước cáo buộc Trung Quốc đánh cắp hoặc gây áp lực đối với các công ty công nghệ để yêu cầu chuyển giao kỹ thuật, Trung Quốc và Mỹ đã áp đặt mức thuế quan lên tới 25% cho một danh mục hàng hóa của nhau lên tới hàng chục tỷ USD. Chính quyền Washington cũng đang thúc ép Bắc Kinh rút khỏi các kế hoạch phát triển công nghiệp do Trung Quốc dẫn dắt trở thành những đối tác thương mại phản ánh vi phạm quy tắc mở cửa thị trường.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết các cuộc đàm phán Mỹ-Trung nhằm thực hiện thỏa thuận giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp vào ngày 1/12/2018, trong đó hai bên đã thống nhất đình chỉ việc tăng thuế lên hàng hóa của nhau trong thời hạn 90 ngày để tiến hành đàm phán. Yu Chunhai, chuyên gia thương mại tại trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết các yêu cầu phức tạp của Mỹ đối với chính sách của Trung Quốc có khả năng sẽ được giải quyết.

Các quan chức Trung Quốc cho biết nước này có thể điều chỉnh các kế hoạch công nghiệp. Tuy nhiên, phía Trung Quốc từ chối loại bỏ những gì mà nước này coi là con đường dẫn đến sự thịnh vượng và tạo ảnh hưởng toàn cầu. Ông Tập Cận Bình đã cam kết sẽ “quyết liệt cải cách những vấn đề cần và có thể cải cách”, song cảnh báo Trung Quốc sẽ “không thay đổi ở những nơi không cần và sẽ không có bất cứ cải cách nào”.

Chuyên gia Yu Chunhai cũng cho biết ông Lưu Hạc sẽ nói với các quan chức Mỹ về “những gì mà Trung Quốc có thể và không thể”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với “công nghệ lưỡng dụng” có khả năng phục vụ cho mục đích quân sự. Bắc Kinh cho rằng các công ty Trung Quốc bị đối xử không công bằng và thường bị đánh giá tiêu cực liên quan tới an ninh trong các thương vụ mua lại, mặc dù hầu hết các thỏa thuận đã được chấp thuận và không có thay đổi. Chuyên gia Yu Chunhai nói: "Những trao đổi như vậy phải được thực hiện giữa các quan chức cấp cao hơn”.

Hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều không cho thấy những dấu hiệu thay đổi lớn trong đàm phán. Vì vậy, nhiều nhà kinh tế đánh giá thời hạn 90 ngày là quá ngắn để Mỹ-Trung có thể giải quyết xung đột gây ra căng thẳng giữa hai bên trong gần 2 thập kỷ.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng trong suốt năm 2018, bất chấp chính sách tăng thuế của Mỹ. Trong tháng 12/2018, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng tới 3,5% so với  cùng kỳ năm 2017 sau khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu.

Tháng 6/2018, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc đàm phán với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khi căng thẳng thương mại gia tăng. Tuy nhiên, hai bên đã thất bại trong đàm phán và ông Trump đã đi trước trong việc tăng thuế lần đầu tiên vào tháng 7/2018.

Trong tháng 1/2019, việc ông Lưu Hạc xuất hiện bất ngờ trong một cuộc đàm phán cấp thấp Mỹ-Trung tại Bắc Kinh được cho là một tín hiệu tích cực. Chứng khoán toàn cầu đã tăng thời điểm đó, nhưng giảm ngay khi hai bên không đưa ra được thỏa thuận.

Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng trong một số lĩnh vực như công nghệ, thương mại và tấn công mạng. Trong tháng 1/2019, cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên đã diễn ra tại Bắc Kinh bất chấp việc Giám đốc Tài chính tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei bị bắt giữ tại Canada hôm 1/12/2018 do cáo buộc từ phía Mỹ cho rằng bà này đã gian lận để thực hiện giao dịch với Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

Ngày 17/1, tạp chí The Wall Street Journal của Mỹ cho biết các công tố viên nước này đang điều tra xem Huawei có đánh cắp bí mật thương mại từ những công ty Mỹ hay không. Thêm vào đó, cuộc điều tra được tiến hành một phần bởi vụ kiện do T-Mobile U.S. Inc đưa ra trước đó cáo buộc hai nhân viên của Huawei đã đánh cắp công nghệ chế tạo một cánh tay robot dùng để kiểm tra điện thoại di động. Huawei và T-Mobile đã giải quyết xong tranh chấp này trong năm 2017.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố nước này nghi ngờ ý đồ đằng sau của việc điều tra trên. Điều này không phù hợp với các quy tắc cạnh tranh tự do, công bằng nếu nhà chức trách Mỹ sử dụng bộ máy nhà nước để gây áp lực lên doanh nghiệp Trung Quốc.

Bắc Kinh đã cố gắng giảm bớt căng thẳng với Washington khi nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc với vai trò là quốc gia có thị trường nhập khẩu tiềm năng và hứa hẹn nhiều chính sách nới lỏng hơn đối với ô tô và một số sản phẩm công nghiệp khác. 

Tổng thống Trump đã chỉ trích mạnh mẽ về thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Năm 2018, theo thống kê của Trung Quốc thặng dư thương mại của nước này với Mỹ đã lên mức kỷ lục 323,3 tỷ USD. 

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với khiếu nại từ Liên minh châu Âu. Theo đó, khối liên minh với 28 quốc gia này đã đệ trình một cáo buộc đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để phản đối quy định cấp phép đầu tư của Trung Quốc được cho là gây trở ngại khiến các doanh nghiệp không thể bảo vệ và thu lợi nhuận từ công nghệ của chính họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục