Tin tức giả mạo tràn ngập Facebook, Google, Twitter trong năm 2017

14:54' - 31/12/2017
BNEWS Sự bùng nổ của tin tức giả mạo (tin bịa đặt, sai sự thật) không chỉ mang lại phiền toái cho người sử dụng mạng xã hội mà thậm chí mất tiền oan vì nhiều người tin vào thông tin đó.

Theo các chuyên gia Bkav, trong năm 2017, tin tức giả mạo (fake news) cũng tràn ngập Facebook, Google, Twitter… không chỉ ở thế giới mà cả Việt Nam, chủ yếu liên quan đến các sự kiện lớn.

Số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav tại Việt Nam cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày.

Việc đọc thông tin giả mạo không chỉ khiến người đọc hoang mang mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Thậm chí, nhiều người còn mất tiền oan bởi những thông tin giả mạo trên mạng xã hội. Trong đó, trang tin của các nhãn hàng lớn tại Việt Nam bị giả mạo nhiều nhất.

Cụ thể như trang tin của các hãng hàng không, xe hơi, xe máy, cửa hàng điện tử tiêu dùng, thương mại điện tử…

Vì quá tin vào những thương hiệu này với những lời mời chào hấp dẫn như share trang và để lại thông tin được tặng quà, mua hàng giảm giá khủng còn vài chục ngàn đồng, khuyến mãi đến hơn 70% giá trị hàng hóa… đã khiến nhiều người bị lừa.

Hình thức lừa phần lớn là khi để lại số điện thoại, thông tin cá nhân trên trang thông tin lừa đảo, những người này sẽ nhận được tin nhắn chuyển khoản để “đặt cọc” món quà, món hàng siêu rẻ… Thế nhưng, tiền đã gửi mà hàng vẫn “bặt tăm”.

Ngoài ra, nhiều người khi thấy trang tin có tiêu đề hay, hấp dẫn đã nhấp vào xem, nhưng sau đó đã bị lừa vào trang khác bắt đăng nhập thông tin tài khoản Facebook; hay khi mua hàng trúng trang web lừa đảo đã “vô tình” tiết lộ thông tin tài khoản ngân hàng… cũng khiến nhiều người bị mất tiền oan.

Như mới đây nhất ngày 19/12, nhiều người đã “dính” vius đào tiền ảo trên Facebook với tốc độ lây lan chóng mặt, cứ 3 phút lại có một người bị “dính” virus này, làm “náo loạn” Internet tại Việt Nam.

Sau khi lây nhiễm, mã độc sẽ âm thầm sử dụng tài nguyên của máy nạn nhân để chạy các chương trình đào tiền.

Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, tính đến nay đã có hơn 23.000 máy tính tại Việt Nam nhiễm loại mã độc đào tiền ảo này.

Hiện có 2 hình thức tấn công phổ biến nhất được hacker sử dụng, đó là khai thác lỗ hổng website và lợi dụng mạng xã hội để phát tán virus.

Đây cũng là một trong những mục tiêu lớn được hacker nhắm tới từ giữa cuối năm 2017 và theo dự báo của các chuyên gia an ninh mạng, sẽ bùng nổ trong năm 2018.

Bởi trong năm 2017, chúng ta đã chứng kiến sự tăng giá chóng mặt của các đồng tiền ảo, tạo cơn sốt trên toàn cầu. Điều này cũng đã thúc đẩy hacker gia tăng mạnh mẽ các hình thức tấn công liên quan đến tiền ảo.

Tuy nhiên, tại Việt Nam việc giao dịch đồng tiền ảo vẫn chưa được pháp luật Việt Nam cho phép.

Chính vì vậy, việc hacker tấn công vào các giao dịch tiền ảo tại Việt Nam hay biến máy tính người dùng thành công cụ đào tiền ảo sẽ là điều tất yếu vì hơn 40% website tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng có thể bị xâm nhập, khai thác.

Các chuyên gia Bkav phân tích, bản chất của việc tin tức giả mạo tràn lan cũng tương tự như sự lây lan của virus máy tính, đó là tấn công vào sức đề kháng của người dùng.

Vì thế, người dùng internet cần xây dựng cho mình khả năng đề kháng trước các thông tin giả mạo bằng cách biết đặt ra nghi vấn, tốt hơn nữa là chủ động kiểm chứng khi nhận được thông tin từ nguồn không tin tưởng.

Nếu không trang bị được sức đề kháng tốt, gặp thông tin giả mạo người đọc dễ dàng tin tưởng, thậm chí còn chia sẻ mà không cần kiểm chứng. Hãy là người dùng mạng xã hội thông thái./.

Xem thêm:

>>>Anh bắt đầu mở cuộc điều tra "tin tức giả mạo" trên mạng xã hội Facebook

>>>Fanpage chia sẻ tin tức giả mạo sẽ không được mua quảng cáo trên Facebook

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục