Tình hình giảm phát của Thái Lan có thể trầm trọng hơn dự báo

05:00' - 07/07/2020
BNEWS Tình trạng giảm phát của Thái Lan có thể sẽ trầm trọng hơn dự tính ban đầu, sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia Đông Nam Á này giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 6/2020.

Bộ Thương mại Thái Lan đã hạ thấp dự báo lạm phát toàn phần hàng năm từ mức trung bình -0,6% (dao động từ -0,2 đến -1%) xuống mức trung bình -1,1% (dao động từ -0,7% đến -1,5%). 

Dự báo này được đưa ra với giả định Tổng sản quốc nội (GDP) của Thái Lan sẽ giảm từ 7,6% đến 8,6% trong năm 2020, với giá dầu thô Dubai dao động ở mức 35-45 USD/thùng và tỷ giá hối đoái từ 30,5-32,5 baht đổi 1 USD.

Truyền thông sở tại dẫn lời Tổng Giám đốc Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại (TPSO) Pimchanok Vonkorpon nhận định, đại dịch COVID-19 đã tác động đến tổng thể kinh tế và du lịch của thế giới. 

Mặc dù tỷ lệ lạm phát có thể tăng lên trong nửa cuối năm 2020, tỷ lệ cả năm vẫn sẽ ở mức yếu do tác động của đại dịch COVID-19 làm giảm hoạt động kinh tế như du lịch và tiêu dùng, sức mua và giá dầu.

Bà Pimchanok bày tỏ hy vọng rằng khoản ngân sách 400 tỷ baht (khoảng 12,85 tỷ USD) dành cho hồi phục kinh tế và xã hội trong gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ baht và chi tiêu ngân sách tài khóa 2020-2021 sẽ kích thích nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm nay.

Theo TPSO, CPI của Thái Lan, một thước đo của lạm phát toàn phần, trong tháng Sáu đã giảm 1,57% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 3,44% trong tháng Năm - mức sụt giảm cao nhất trong gần 11 năm qua. Tính chung trong sáu tháng đầu năm nay, lạm phát toàn phần của Thái Lan là 1,13% và lạm phát cơ bản là 0,32% (lạm phát cơ bản của Thái Lan trong tháng 6 là -0,05%).

Bà Pimchanok nhận xét hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là trong khu vực dịch vụ, đã phục hồi trở lại một phần sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng ở Thái Lan và những nước khác. Số liệu trong tháng Sáu cho thấy những xu hướng đang gia tăng của các chỉ số kinh tế khác, thể hiện rằng tình hình kinh tế và lạm phát đang hướng tới gần mức bình thường.

Trong khi đó, với 273 phiếu ủng hộ, 200 phiếu chống và ba phiếu trắng, Hạ viện Thái Lan ngày 3/7 đã thông qua dự thảo Luật ngân sách tài khóa 2021 trị giá 3.300 tỷ baht (khoảng 106 tỷ USD) sau 3 ngày thảo luận. 

Dự luật ngân sách 2021 đề xuất tăng 3,1% chi tiêu lên 3.300 tỷ baht cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10 tới. Trong đó, thâm hụt dự kiến ở mức 623 tỷ baht (20 tỷ USD), tăng 32,8% so tài khóa 2020.

Dự luật ngân sách 2021 do Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đệ trình sẽ còn phải trải qua hai cuộc bỏ phiếu khác vào tháng Chín tới. Ngoài ra, dự luật cũng cần được thông qua tại Thượng viện và được Hoàng gia phê chuẩn trước khi chính thức trở thành luật.

Kinh tế Thái Lan được cho là đang trên đà rơi vào suy thoái sau khi ghi nhận mức giảm 1,8% trong quý I/2020, mức giảm sâu nhất kể từ quý IV/2011. 

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã cắt giảm triển vọng kinh tế của nước này xuống mức thấp kỷ lục là -8,1% trong năm 2020, giảm sâu hơn so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

Mới đây, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu nhóm các bộ trưởng phụ trách kinh tế, hay còn gọi là Nội các Kinh tế, phải họp hai tuần một lần nhằm tìm kiếm các biện pháp hồi phục nền kinh tế trong vòng 6 đến 12 tháng tới. 

Theo Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Thủ tướng Prayut, ông Kobsak Pootrakool, việc người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đề nghị các bộ trưởng phụ trách lĩnh vực kinh tế họp thường xuyên hơn là do chính phủ cần đưa ra nhiều chính sách và biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục