Tính toán kỹ lưỡng chính sách tạo đà phát triển Đà Nẵng

18:54' - 31/05/2024
BNEWS Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).

 
* Về thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Phát biểu tại tổ, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên về thủ tục hải quan... , theo các đại biểu, đây là mô hình mới ở Việt Nam nên cần được tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo đà phát triển cho Đà Nẵng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề xuất thí điểm thành lập “Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng” thay vì “Khu thương mại tự do”. Theo đại biểu, việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng. Việc thí điểm Khu tài chính tự do sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Do đó, việc thành lập Khu thương mại, tài chính tự do tại Đà Nẵng không chỉ mang lại lợi ích cho thành phố mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

Đa số ý kiến tán thành với chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chủ trương này, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ, quy định cụ thể về một số nội dung sau: Khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng… Khu thương mại tự do; tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền.

Thống nhất với việc thành lập Sở An toàn thực phẩm tại Đà Nẵng như Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng phải có báo cáo tổng kết cụ thể. Về thực hiện dự án PPP (đối tác công tư), đại biểu đồng thuận với việc đầu tư trên tất cả các lĩnh vực khác như giao thông, quản lí đô thị… là cần thiết nhưng với các lĩnh vực văn hóa xã hội, trong đó có đầu tư kinh doanh hạ tầng chợ mà thực hiện đầu tư như vậy là khó, không nên.

“Đây là việc quan trọng, trước giờ ở Việt Nam chưa có tiền lệ nhưng trên thế giới thì đã có. Tôi đề nghị cần có sự thận trọng, khách quan về chính sách đầu tư cho khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Thậm chí, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác cũng nên thành lập khu thương mại tự do, dưới sự quản lí của nhà nước, có Ban quản lý”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Các ý kiến cũng lưu ý đến vấn đề thu hồi đất của dân rồi cho nhà đầu tư thuê; đồng thời đề nghị giá tái định cư, đền bù đất phải theo Luật Đất đai hiện hành, tránh tình trạng người dân khiếu kiện liên quan đến việc bồi thường, tái định cư.

* Xem xét thí điểm chính sách “thị thực vàng”

Cho rằng, hiện nay, việc phát triển và bảo đảm nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ cao là một vấn đề hệ trọng, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở các quốc gia khác trên thế giới, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhấn mạnh, qua nghiên cứu cho thấy, một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang áp dụng cơ chế “thị thực vàng” để thu hút nhân tài từ các ngành nghề đến với nước mình và góp phần giải quyết vấn đề nhân lực tay nghề cao.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 5, Chính phủ Thái Lan vừa phê duyệt loại thị thực đặc biệt dành cho các chuyên gia làm việc tại Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan nhằm thu hút các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đến với khu vực này. Loại thị thực đặc biệt này có giá trị trong 10 năm, cho phép người sở hữu có thể xuất, nhập cảnh Thái Lan nhiều lần. Ngoài ra, các chuyên gia cư trú và làm việc tại Hành lang Kinh tế phía Đông còn được hưởng mức thuế thu nhập cá nhân đặc biệt.

Hiện nay, dự thảo Nghị quyết đã bao gồm các chính sách đặc thù về việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cũng như thí điểm các chính sách ưu đãi về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế thu nhập cá nhân, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Do đó, đại biểu đề xuất việc chỉnh lý điểm 9 khoản 12 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết, xem xét thí điểm chính sách “thị thực vàng” và việc ưu đãi thuế thu nhập đối với những cá nhân nước ngoài có chức vị, học vấn cao sinh sống, làm việc trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo do ngân sách thành phố đầu tư của Đà Nẵng.

Theo đại biểu, việc này sẽ góp phần thu hút tài năng công nghệ cao trên toàn thế giới đến với Đà Nẵng, đẩy nhanh quá trình phát triển và áp dụng công nghệ vào đời sống trên địa bàn thành phố, cũng như trên cả nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục