Tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn có thể khiến tuyết rơi dày hơn

06:30' - 05/12/2023
BNEWS Các chuyên gia khí hậu cho rằng không phải nhiều tuyết có nghĩa là nhiệt độ trung bình toàn cầu không ấm hơn.

Mùa Đông bắt đầu kèm theo tuyết rơi dày đặc hiện không chỉ gây ra tai nạn, gián đoạn giao thông đường sắt, hỗn loạn và gián đoạn tại sân bay Müchen ở Đức mà còn là chủ đề nóng trên các mạng xã hội, đặc biệt vào thời điểm đang diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nước tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Dubai.

Nhiều thông tin lan truyền trên cả mạng xã hội X lẫn Telegram tại Đức rằng nhiều tuyết là bằng chứng cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu không đến nỗi tệ hoặc thậm chí còn không tồn tại mà chỉ là “thuyết âm mưu” để chính phủ thu nhiều loại thuế bảo vệ môi trường hơn mà thôi.Tuy nhiên, các chuyên gia khí hậu cho rằng không phải nhiều tuyết có nghĩa là nhiệt độ trung bình toàn cầu không ấm hơn. Trên thực tế, nền nhiệt kỷ lục được ghi nhận ngày càng tăng và nhiệt độ trên Trái Đất đang tăng nhanh hơn nhiều so với hàng nghìn năm trước.

Theo Cơ quan Thời tiết Đức (DWD), nhiệt độ trung bình hàng năm ở Đức đã tăng 1,7 độ C từ năm 1881 đến năm 2022. Nhà khí hậu học Gudrun Mühlbacher ở DWD cho biết: "Khí hậu hiện nay đang biến đổi nhanh gấp mười lần tự nhiên. Sự thay đổi nhiệt độ mà chúng ta quan sát được trong 100 năm gần đây thì trước kia phải là trong hơn 1.000 năm". Theo ông Mühlbacher, những thay đổi ghi nhận được trong 10 năm qua thậm chí còn lớn hơn những thay đổi kể từ khi bắt đầu đo đạc.

*Mùa Đông ấm hơn - ít tuyết hơn

Mùa Đông nhìn chung ấm hơn, ông Mühlbacher nói thêm, nhưng hàng năm vẫn có những biến động, có nghĩa là vẫn có thể có năm lạnh. Nhưng nhận định chung là mùa Đông lạnh giá và tuyết sẽ ít phổ biến hơn.

Những năm gần đây, nền nhiệt độ thấp để có tuyết và giữ tuyết không tan ít phổ biến hơn. Điều này cũng được chứng minh bằng số liệu từ Cơ quan Thời tiết Đức. Số ngày có tuyết phủ ít nhất 3 cm ở những nơi có cao độ dưới 300m so với mực nước biển, biến động mạnh nhưng nhìn chung, giảm khoảng 65%.

Chuỗi dữ liệu do DWD đo đạc trong hơn 135 năm qua ở Oberstdorf (bang Bayern) cho thấy sự sụt giảm đáng kể số ngày tuyết phủ. Trong khi có trung bình 127 ngày tuyết rơi trong khoảng từ năm 1961 đến năm 1990, thì chỉ có 106 ngày có lớp tuyết dày 3 cm trong khoảng từ năm 1991 đến năm 2020.

*Thời tiết khác với khí hậu

Khi phân loại khối lượng tuyết và hiện tượng nóng lên toàn cầu, điểm trọng tâm là phải phân biệt được sự khác nhau giữa thời tiết và khí hậu. Ông Peter Hoffmann, nhà khí tượng học tại Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK), cho biết vì tuyết là một hiện tượng thời tiết nên người ta không thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về khí hậu hoặc sự thay đổi khí hậu từ hiện tượng tuyết rơi.

Ông cho biết: "Vẫn có khả năng mùa Đông có thể xảy ra bất thường do điều kiện thời tiết nhất định." Với xu hướng mùa Đông đang ấm hơn, điều quan trọng là xác suất những ngày có tuyết ở những nơi có cao độ thấp sẽ giảm đi.

*Tương lai vẫn có thể có nhiều tuyết hơn

Ông Hoffmann cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu thậm chí có thể khiến tuyết nhiều hơn trong tương lai, mặc dù không phải về tần suất mà về cường độ. Điều này có nghĩa là tuyết có thể ít thường xuyên hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng có thể rơi dày hơn nhiều. Lý do là trời mưa nhiều hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu, đặc biệt là vào mùa Thu-Đông.

Theo DWD, lượng mưa trung bình ở Đức đã tăng khoảng 48mm kể từ mùa Đông năm 1881/1882, tương ứng với mức tăng khoảng 26%, nhưng có sự khác biệt về không gian. DWD quan sát thấy mùa mưa đang dần dịch chuyển sang những tháng mùa Đông. Điều này cũng được chuyên gia Niklas Höhne ở Viện NewClimate xác nhận: “Giờ đây, có thể thấy rằng mùa Đông mưa nhiều hơn, dẫn đến tuyết rơi nhiều hơn, ngay cả khi nhiệt độ nhìn chung tăng”.

Ông Hoffmann giải thích mối liên hệ của tuyết rơi dày với hiện tượng nóng lên toàn cầu như sau: "Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao hơn và bầu khí quyển giữ độ ẩm lớn hơn khi trời ấm lên". Điều này có thể dẫn đến hạn hán vào mùa Hè vì hơi ẩm bốc hơi thay vì mưa xuống. Tuy nhiên, vào mùa Thu và mùa Đông, hơi ẩm được “xả” ra, dưới dạng mưa cực lớn và nếu gặp nhiệt độ rất thấp, sẽ hình thành tuyết hoặc rất nhiều tuyết.

Tuyết cũng rất quan trọng trong thiên nhiên. Thiếu tuyết lại càng thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu. Chuyên gia khí hậu Mojib Latif giải thích rằng lớp tuyết phủ có chức năng giống như một tấm phản xạ lớn: "Tuyết và băng phản chiếu rất nhiều ánh sáng Mặt Trời trở lại không gian nên nếu không có tuyết thì ánh sáng Mặt Trời sẽ bị bề mặt Trái Đất hấp thụ." Có thể nói, đây là một quá trình khuếch đại làm tăng nhiệt độ không khí, ông Latif nói.

Tuy nhiên, tuyết còn có một nhiệm vụ khác - nó hoạt động như một bể chứa nước, đặc biệt là ở những nơi có cao độ lớn hơn, vào những thời điểm trong năm khi thiên nhiên cần nhiều nước. Nếu mùa Đông ấm và khô thì mùa Xuân sẽ khô tương ứng trong khi đó lại là lúc thực vật cần nhiều nước.

Không phải tuyết nào cũng giống nhauTuyết giờ đây không còn tồn tại lâu do nhiệt độ thường xuyên dao động trong mùa Đông. Nếu tuyết rơi thì thường cũng chỉ 1 tuần sau là tuyết tan. Tuyết tan nhanh lại có thể dẫn đến lũ lụt. Theo chuyên gia Mühlbacher ở DWD, tất cả những điều này càng trở nên trầm trọng hơn do thực tế là mùa Đông đang rút ngắn lại vì nhiệt độ ấm hơn.

Mặc dù tuyết rất quan trọng đối với hệ sinh thái vào mùa Đông, nhưng các đặc tính của tuyết cũng rất quan trọng. Ví dụ như đối với khả năng chịu tải của mái nhà và các cơ sở hạ tầng khác. Chuyên gia Mühlbacher ở DWD giải thích, khi nhiệt độ ấm hơn, tuyết có xu hướng ẩm, như vậy nó chứa rất nhiều nước và trở nên nặng hơn. Sức nặng của loại tuyết này tăng nhanh hơn nhiều nên phải có những giải pháp thích ứng trong bối cảnh Trái Đất nóng lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục