TKV với xu thế công nghệ 4.0

11:02' - 11/11/2023
BNEWS Để khẳng định vai trò là tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước về năng lượng, TKV đã ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa; thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dựng công nghệ 4.0.

Hướng tới xây dựng “Mỏ xanh, sạch, hiện đại, ít người” là mục tiêu của ngành than. Để khẳng định vai trò là tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước về năng lượng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dựng công nghệ 4.0. Ở các mỏ than hầm lò, kho bãi cũng như cầu cảng, ứng dụng công nghệ hiện đại đã đổi mới diện mạo ngành than.

Tại Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin, công ty đã xây dựng và hoàn thiện hạ tầng xương sống truyền dẫn tín hiệu bằng cáp quang kết nối với các máy trạm cục bộ, chuẩn truyền thông đáp ứng các nhu cầu truyền số liệu, âm thanh, dữ liệu toàn công ty về trung tâm dự liệu số đặt tại phòng điều hành sản xuất. Đồng thời, lắp đặt camera giám sát tại tất cả các điểm sản xuất và khâu công nghệ trong công ty.  Cùng với đó, công ty hoàn thiện hệ thống giám sát, điều khiển từ xa đóng ngắt, xả tải than tại Kho Lép Mỹ; đưa vào sử dụng băng tải vận chuyển than từ kho cấp và triển khai thành công hệ thống băng tải cấp liệu tại kho Km6. Bên cạnh đó, triển khai đưa toàn bộ hệ thống số liệu cân ô tô về trung tâm điều hành sản xuất giám sát theo thời gian thực.

Việc quản lý tuyến luồng ra vào cảng Cẩm Phả cũng được công ty thực hiện quản lý bằng hệ thống nhận dạng tự động và hiển thị lên phần mềm hải đồ điện tử có độ chính xác cao, hiển thị đầy đủ thông tin về tên tàu, trọng tải, danh sách thuyền viên, lịch sử lấy hàng...Các hệ thống đèn báo hiệu luồng tích hợp thêm bộ phận cảm ứng báo hỏng hóc, hiển thị trực tiếp theo thời gian thực về hải đồ điện tử đã giúp việc sửa chữa thiết bị nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển trên luồng. Nhờ đó, công ty giảm toàn bộ nhân viên phải thường xuyên đi kiểm tra tình trạng kỹ thuật của đèn báo hiệu 3 người/ca và phương tiện phục vụ.

Về quản lý nhiên liệu, Kho vận và Cảng Cẩm Phả đã gắn chip và bộ cảm biến tự động ở tất cả các bình dầu xe cơ giới. Mỗi hệ thống đều được kết nối với trung tâm quản lý và tình trạng dầu trong bình sẽ được cập nhật tới trung tâm liên tục. Điều này cũng giúp việc quản lý dễ dàng hơn nhiều, không cần có sự can thiệp của người quản lý kho nhiên liệu.

Chủ tịch công đoàn Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin Phạm Văn Nghĩa cho biết, hiện nay, công ty đang triển khai nâng cấp toàn bộ hệ thống inernet các khu vực sản xuất. Bởi, đặc thù các kho, cảng của công ty nằm rải rác từ Mông Dương, Hạ Long, có các trạm sản xuất tại Uông Bí, ngoài biển và đảo xa nên việc nâng cấp toàn bộ hệ thống internet các khu vực để quản lý tập trung là một việc hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, công ty triển khai thực hiện hệ thống nhật lệnh từ xa, phần mềm quản lý nhận diện khuôn mặt, giám sát bằng camera AI; thực hiện một số dự án tự động hóa như: hệ thống bơm mỡ tự động cho các xe, máy móc, băng tải; hệ thống cảm biến và chữa cháy tự động…

Còn tại Công ty Than Thống Nhất – TKV, Trưởng phòng An toàn - Bảo hộ lao động công ty Khổng Minh Báo cho hay, là đơn vị khai thác hầm lò, Than Thống Nhất đưa công nghệ chống giữ bằng gía khung đồng bộ vào khai thác lò chợ; hoàn thiện các tuyến băng tải, các tuyến monoray để đáp ứng công tác vận tải chính, vận chuyến vật tư và vật liệu ra vào lò; đầu tư 2 hệ thống trạm quạt hiện đại VO-22 của Nga đánh dầu sự kiện lần đầu tiên một đơn vị ngành than sử dụng hệ thống thông gió tự động của Nga sau hơn ba thập kỷ; các hệ thống quản lý khí mỏ, băng tải được điều kiển tập trung.

Ông Trịnh Công Lý, cán bộ phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ giải thích: tùy thuộc vào điều kiện địa chất để có thể sử dụng công nghệ chống bằng giá khung hay vì neo. Đối với Than Thống Nhất, do địa chất phức tạp, biến động lớn nên công ty áp dụng công nghệ chống giữ bằng giá khung. Còn chống lò bằng vì neo chỉ thực hiện ở nhưng nơi địa chất có áp lực nhỏ.

Về công nghệ đào lò, công ty đang áp dụng bán cơ giới hoá đã đưa vào vận hành 8 máy xúc phục vụ thi công đào lò, chống xén, xúc dọn đất, đá... nhằm cải thiện điều kiện lao động, tiết kiệm nhân công, tăng tỷ lệ mét lò xúc máy, tăng năng suất lao động và giảm giá thành. Quy trình than được bốc xúc thủ công vào máng cào rót xuống băng tải nhánh vận chuyển đến băng tải chính rồi đưa lên cửa lò. Sau đó, đưa đến hệ thống sàng rung để loại bỏ đá, tạp chất và phân tách từng loại than (than cục hoặc than cám) chảy xuống các tuyến băng tải nhánh rót vào các ô máng của Bun ke chứa đã được quy định để giao cho các hộ tiêu thụ.

Theo ông Đào Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty Than Thống Nhất – TKV, do điều kiện khai thác xuống sâu, nguy cơ về các sự cố phát sinh do than tự cháy trong quá trình đào lò nên các phân xưởng phải bố trí người để xây các tường chắn cách ly, phun nhám đường lò nhằm hạn chế cấp khí ôxi vào khu vực đã khai thác. Đồng thời, công ty cũng phải ngăn ngừa các khí độc thoát ra ngoài khu vực đường lò làm ảnh hưởng tới nhân lực để khai thác than và thi công đào lò, chống xén. Để đảm bảo điều kiện làm việc, công ty đã đầu tư và lắp 3 trạm quạt gió chính đảm bảo cung cấp lưu lượng gió cho toàn mỏ.

Hiện tại, Công ty đang khai thác giáp ranh với Công ty Khe Sim-Tổng Công ty Đông Bắc và Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin, khoảng cách từ đáy moong đên các diện sản xuất, lò chợ của công ty ngày càng thu hẹp. Cùng với quá trình khai thác vỉa dày thu hồi than nóc gây nứt nẻ bể mặt, do đó mức độ ảnh hưởng đên diện sản xuất của công ty trong mùa mưa ngày càng lớn. Trong 9 tháng năm 2023, lượng nước chảy vào mỏ là 8.020.452 m3. Để đảm bảo không bị ngập mỏ, công ty lặp đặt 2 hệ thống hầm bơm là mức -35 và -140; hệ thống hầm bơm múc -35 với 10 bơm lưu lượng nước thiết kế 2.350 m3/h cùng hệ thống hầm bơm mức -140 với 11 bơm với lưu lượng nước thiết kê 3.470 m³/h. Điều này đảm bảo bơm thoát nước vào mùa mưa lũ.

Việc vận tải người và vật liệu trong hầm lò của công ty cũng đang sử dụng với nhiều loại hình vận tải như vận chuyên người có tời trục, xe song loan, hệ thông monoray dung khí nén, hệ thông monora diêzl, tàu điện, tời cáp treo... nhằm cải thiện điêu kiện làm việc, tăng năng suất lao động, nâng cao sản lượng, an toàn trong sản xuất.

Theo TKV, một trong những công nghệ được ứng dụng trong nhiều năm qua tại khu vực hầm lò là công nghệ khai thác than lò chợ chống giữ bằng giá khung và giá xích. Đây không phải công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, nhưng công nghệ này vẫn đang được nghiên cứu nhân rộng tại nhiều hầm lò của TKV do có nhiều ưu điểm về kết cấu, vận hành, độ an toàn, đặc biệt là phù hợp với điều kiện địa chất phức tạp ở nhiều mỏ. Sản lượng khai thác than từ các lò chợ chống giữ bằng giá khung và giá xích liên tục tăng lên. Công nghệ khai thác than lò chợ này đã tạo bước đột phá về sản lượng và năng suất lao động cũng như mức độ an toàn so với các công nghệ khai thác sử dụng vì gỗ hoặc những loại vì thủy lực đơn chiếc trước đó.

Ở các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh hiện có gồm: Công ty CP Than Hà Tu, Công ty CP Than Cọc Sáu, Công ty CP Than Đèo Nai và Công ty CP Than Cao Sơn. Bình quân mỗi năm, sản lượng than khai thác từ các mỏ này chiếm 30-40% tổng sản lượng than nguyên khai của TKV. Để đảm bảo được tỷ trọng than khai thác theo yêu cầu của Tập đoàn, trung bình mỗi năm, các mỏ thực hiện nhiệm vụ bóc xúc 167-189 triệu m3 đất đá, với hệ số bóc dao động 11,2-11,5 m3/năm.

Tuy nhiên, với khối lượng đất đá bóc xúc khổng lồ cần phải thực hiện bằng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đồng bộ. Vì vậy, các mỏ lộ thiên của TKV đã tiến hành đồng bộ một số thiết bị bóc xúc với vận tải. Đó là, đồng bộ máy xúc chạy điện EKG và máy xúc thủy lực có dung tích gầu 3,5-6,7m3 với ô tô trọng tải 36-58 tấn. Sự kết hợp này được nhận định là tương đối phù hợp trong điều kiện khai thác mỏ hiện nay. Năng suất của các loại máy xúc này đều tăng từ 101-122% so với định mức. Đặc biệt, các loại máy xúc có dung tích gầu 8-12m3 đã được các mỏ kết hợp với ô tô có tải trọng 90-130 tấn…

Đến nay, TKV đã áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quản lý để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, tăng năng suất, đảm bảo công tác an toàn, tiết kiệm tài nguyên và góp phần bảo vệ môi trường. Trên nền tảng hạ tầng sẵn có và những thành tựu ban đầu của công cuộc chuyển đổi số, TKV đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công vào năm 2025 và khi đó hầu hết các hoạt động của TKV sẽ được chuyển đổi trên nền tảng số./.

Tin liên quan

  • Giải pháp nào hút lao động ngành than? Doanh nghiệp

    Giải pháp nào hút lao động ngành than?

    16:12' - 04/11/2023

    Ưu tiên các nguồn lực chăm lo việc làm, đời sống, tinh thần cho người lao động luôn được các đơn vị ngành than đặt lên hàng đầu trong chiến lược sản xuất kinh doanh.

  • Ngành than tạo đà cho năm 2024 Doanh nghiệp

    Ngành than tạo đà cho năm 2024

    08:28' - 01/11/2023

    Các đơn vị thuộc Tập đoàn TKV đang đẩy nhanh sản xuất hoàn thành các mục tiêu năm 2023, lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 87 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ, truyền thống ngành Than.

  • Ngành than tăng tốc sản xuất cuối năm Doanh nghiệp

    Ngành than tăng tốc sản xuất cuối năm

    10:45' - 09/10/2023

    Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ cho sản xuất, đảm bảo an toàn lao động, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất năm 2023 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch sản xuất năm 2024.


Tin cùng chuyên mục