Toàn văn Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025 (Phần 3)

15:06' - 05/05/2025
BNEWS TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025 (Phần 3).

Toàn văn Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025 (Phần 3).

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỜI GIAN TỚI

1. Bối cảnh

Tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng; thương mại, đầu tư quốc tế suy giảm; các tổ chức uy tín đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Có thể nói tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn[1]. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

2. Quan điểm chỉ đạo

(1) Quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong “bộ tứ chiến lược”[2].

(2) Phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025, có các giải pháp đột phá để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

(3) Giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành.

(4) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

(5) Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên.

3. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực. Sau đây, tôi nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm:

(1) Theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu NSNN trên 15%. Điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí[3]. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp; đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược. Khẩn trương triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi, dài hạn cho đầu tư hạ tầng, công nghệ số; mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ và nhà ở cho người trẻ. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.

Đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch; quyết liệt thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng. Khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới, nhất là với các quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao, các khu vực tiềm năng[4]. Tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP; quyết liệt phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng; ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật.

Chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, khẩn trương ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới; khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

(2) Thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KTXH

[5]. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh.

Tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, nhất là các cơ chế, chính sách Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới...

Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh số hóa, tăng cường tích hợp, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

(3) Cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (2013). Hoàn thành việc rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30/6/2025, bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý[6]. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm “Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh”[7].

Rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt “không ngừng, không nghỉ”. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là các kết luận thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng[8]. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tiếp tục thí điểm Mô hình tiếp công dân trực tuyến; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp, không để phát sinh điểm nóng.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng[9] nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển KTXH, nhất là các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Rút kinh nghiệm, đề xuất triển khai áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc các cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội.

Trong đó:

[1] Trong đó, (i) Một số đối tác lớn của Việt Nam (như Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản…) tăng trưởng chậm lại, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và du lịch của Việt Nam; (ii) Lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm chậm hơn so với dự kiến; (iii) Nguy cơ rủi ro an ninh năng lượng, an ninh mạng, biến đổi khí hậu…

[2] Gồm những nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng: (1) Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (NQ số 18-NQ/TW); (2) Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (NQ số 57-NQ/TW); (3) Hội nhập quốc tế trong tình hình mới (NQ số 59-NQ/TW); (4) Phát triển khu vực kinh tế tư nhân (NQ số 68-NQ/TW).

[3] Đồng thời, mở rộng đối tượng áp dụng và đề xuất bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện các chính sách thuế nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

[4] Như Trung Đông, Đông Âu, Mỹ La tinh, Trung Á, Pakistan, Ai Cập, Ấn Độ, Brazil…

[5] Như: Luật Doanh nghiệp; Các Tổ chức tín dụng; Đầu tư; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Đấu thầu; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Năng lượng nguyên tử...

[6] Như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)…

[7] Triển khai hiệu quả Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[8] Các nhiệm vụ thuộc “Đề án xây dựng cơ chế xử lý vật chứng tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, vụ việc”.

[9] Trong đó, tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, sớm đưa vào triển khai hơn 2,2 nghìn dự án đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục