Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Viện Chính sách Việt Nam - Australia

18:13' - 02/12/2022
BNEWS Chiều 2/12 (giờ địa phương), tại trụ sở Đại học RMIT, thành phố Melbourne, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu quan trọng tại Viện Chính sách Việt Nam – Australia.

Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chuyến thăm chính thức Australia, chiều 2/12 (giờ địa phương), tại trụ sở Đại học RMIT, thành phố Melbourne, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu quan trọng tại Viện Chính sách Việt Nam – Australia. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội với tiêu đề: “Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển”:

Kính thưa Giáo sư Alec Cameron, Chủ tịch kiêm Phó Hiệu trưởng Đại học RMIT,

Thưa quý vị và các bạn,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tới thăm và phát biểu tại Viện Chính sách Australia-Việt Nam, cơ quan nghiên cứu và đề xuất chính sách đầu tiên của Australia chuyên về quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Sự ra đời và những hoạt động của Viện thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của Australia đối với Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai nước đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, thực chất và mạnh mẽ hơn.

Viện đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận phong phú về chính sách, kết nối doanh nghiệp và địa phương hai bên…Tôi hy vọng Viện sẽ sớm phát triển thành một trong những trung tâm nghiên cứu có uy tín hàng đầu về Việt Nam trong khu vực; đồng thời sẽ là vườn ươm ý tưởng cho quan hệ hai nước không ngừng phát triển trong 50 năm tiếp theo.

Trong bài phát biểu của mình, tôi muốn chia sẻ với quý vị ba nội dung: Thứ nhất là một vài suy nghĩ về tình hình thế giới và khu vực. Thứ hai là chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt đối với Ấn Độ Dương và châu Á -Thái Bình Dương. Thứ ba là về quan hệ Việt Nam - Australia và triển vọng.

Thưa quý vị,                                           

1. Thế giới bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21 với vô vàn biến cố khó lường. Lần đầu tiên, nhân loại trải qua một đại dịch với quy mô chưa từng có, tổn thất vượt xa mọi dự đoán.

Kể từ sau Chiến tranh lạnh, chưa bao giờ môi trường chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế lại đứng trước nhiều khó khăn thách thức như hiện nay. Tác động dai dẳng, phức tạp của đại dịch, cộng hưởng với những căng thẳng, xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược nước lớn, những chao đảo của thị trường lương thực, năng lượng, tài chính - tiền tệ, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, đã xóa đi nhiều thành quả giảm nghèo, phát triển của hàng thập kỷ qua và đang gây ra những khó khăn to lớn, đa chiều, cả trước mắt và dài hạn đối với nhiều nước trên thế giới.

Toàn cầu hóa gặp nhiều cản trở, sức ép về chọn bên trong cạnh tranh địa chính trị khu vực và toàn cầu, các mâu thuẫn giữa hợp tác và cạnh tranh, giữa độc lập và phụ thuộc, giữa phát triển và tụt hậu trở nên hết sức gay gắt, phức tạp. Bên cạnh đó, những vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đang trực tiếp ảnh hưởng đến người dân, an ninh - phát triển của mọi quốc gia.

Nhưng bức tranh toàn cầu không chỉ có những gam màu tối. Chúng ta vẫn lạc quan và hy vọng về tương lai. Thế giới đang dần vượt qua đại dịch COVID-19. Dịch bệnh không làm chúng ta sụp đổ mà khiến chúng ta mạnh mẽ và đoàn kết hơn. Các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đối xanh, đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy lan tỏa sâu rộng.

Trong khi toàn cầu hóa gặp khó khăn thì hàng loạt các sáng kiến liên kết, hợp tác kinh tế mới ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu tiếp tục được đẩy nhanh. Thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo là nguyện vọng chung, là mẫu số chung của các nỗ lực hợp tác toàn cầu.

Khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động. Đây là khu vực hội tụ 4 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hầu hết các dự báo về thế giới ngày nay đều thống nhất một điểm: Thế kỷ này sẽ là thế kỷ của châu Á.

Thưa Quý vị,

Đại dịch COVID-19 và sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, chỉ ra rằng: không nước nào dù là cường quốc giàu mạnh có thể tự mình vượt qua hết các khó khăn, và cũng không nước nào dù nhỏ đến mấy mà không có cơ hội vươn lên, phát triển.

Trong nhiều trường hợp, thách thức và khó khăn lại chính là động lực cho đổi mới và phát triển. Thời gian vừa qua, trước thách thức từ bên ngoài, Australia đã nỗ lực xây dựng chuỗi cung tự cường, đa dạng hóa thị trường, tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Đó thật sự là kinh nghiệm tham khảo quý báu cho các nước, trong đó có Việt Nam.

Hòa bình, hợp tác để cùng phát triển vẫn là dòng chảy chính của thời đại chúng ta, là nguyện vọng thiết tha của mọi quốc gia trên thế giới và cũng là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân. Các nước đều chia sẻ nhận thức rằng không phải chủ nghĩa dân tộc vị kỷ hay cường quyền áp đặt, mà chính chủ nghĩa đa phương, cùng hợp tác, liên kết và hội nhập phù hợp luật pháp quốc tế, mới là phương cách tốt nhất và cũng là con đường sáng để vượt qua khó khăn.

Trong tình hình đó, Việt Nam mong muốn và cam kết mạnh mẽ tham gia, cùng các nước trong đó có Australia, viết tiếp những trang sử mới tươi sáng của khu vực, đóng góp thiết thực cho hòa bình và thịnh vượng chung trên thế giới.

Thưa Quý vị,

2. Nội dung thứ hai tôi muốn chia sẻ là về chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhất là đối với khu vực Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương.

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng hơn 13 lần, quy mô GDP tăng khoảng 18 lần so với những năm đầu đổi mới (1986). Từ một nước có quan hệ đối ngoại hạn chế, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia, nền kinh tế đối tác.

Quốc hội Việt Nam cũng có quan hệ với hơn 140 nghị viện trên thế giới. Việt Nam tự hào đã đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách quốc tế, trong đó có 2 lần là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng nhân quyền, Chủ tịch ASEAN, nước chủ nhà của Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu đầy khát vọng do Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 đề ra, đó là: đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Dân có giàu, nước mới mạnh”. Trong mọi chủ trương, chính sách, chúng tôi luôn đặt người dân ở vị trí chủ thể, trung tâm; vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội, không ngừng  nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Để đạt được khát vọng cao cả đó, Việt Nam trước hết phát huy mạnh mẽ nội lực của cả dân tộc, đồng thời kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, rằng Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.

Trong 77 năm đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc và xây dựng phát triển đất nước, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện tinh thần cao quý ấy. Với đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13, chúng tôi tiếp tục thực hiện đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trong tổng thể chung về chính sách đối ngoại, chúng tôi hết sức coi trọng các nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995. Hai mươi năm sau, chúng tôi cùng các nước thành viên ASEAN khác thành lập Cộng đồng ASEAN với tôn chỉ “một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”.

Từ năm 2019, song song với việc xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, Việt Nam đang cùng các nước thành viên khác hiện thực hóa “Tầm nhìn của ASEAN về hợp tác Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương”, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, cùng các đối tác, trong đó có Australia đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Đây sẽ tiếp tục là ưu tiên đối ngoại của Việt Nam thời gian tới.

Bên cạnh “gia đình” ASEAN, Việt Nam cũng không ngừng mở rộng mạng lưới bạn bè thông qua các quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện. Đến nay, chúng tôi đã thiết lập được 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, bao gồm tất cả các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực và các đối tác quan trọng khác. Trong đó Việt Nam coi Australia là người bạn quý, là đối tác chiến lược quan trọng.

Thưa các quý vị,

3. Nội dung thứ ba tôi muốn chia sẻ là về quan hệ Việt Nam – Australia và triển vọng của mối quan hệ đó. Trong nửa thế kỷ qua, lịch sử quan hệ hai nước tuy có lúc thăng trầm, nhưng hợp tác cùng phát triển luôn là dòng chảy chính. Công cuộc Đổi mới của Việt Nam không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ và hợp tác của bạn bè quốc tế, trong đó Australia là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên nối lại viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam. 

Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009, Đối tác Toàn diện Tăng cường năm 2015 và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược năm 2018 và chúng ta đang hướng tới tầm cao hơn, mạnh mẽ hơn. Điều này cho thấy quan hệ hai nước đã trưởng thành theo thời gian và ngày càng vững chắc.

Việt Nam đánh giá cao vai trò và vị thế của Australia ở khu vực và coi Australia là một đối tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Chúng tôi tin rằng Australia sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng và đóng góp ngày càng lớn hơn vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Những sáng kiến thiết thực của Australia đã góp phần định hình cấu trúc hợp tác tại khu vực, như tại APEC hay Đối tác Mekong - Australia. Sự ủng hộ kiên định của Australia đối với vai trò trung tâm của ASEAN, với các giá trị nền tảng của chủ nghĩa đa phương, với trật tự dựa trên luật pháp quốc tế sẽ càng củng cố niềm tin và kỳ vọng của chúng tôi về Australia - một quốc gia, một đối tác có ý thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ với cộng đồng quốc tế.

Ngày nay, quan hệ Việt Nam và Australia đã chuyển từ quan hệ Đối tác viện trợ sang quan hệ Đối tác chiến lược trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, chia sẻ nhiều lợi ích và quan điểm chung về phát triển và an ninh trong khu vực.

Hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh được mở rộng và trở thành một trụ cột chiến lược trong quan hệ hai nước, góp phần gây dựng và vun đắp hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau và mở đường cho những bước tiến tích cực trên nhiều lĩnh vực khác. Hợp tác kinh tế - thương mại luôn là điểm sáng, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Australia vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Ngay trong khó khăn dịch bệnh, kim ngạch thương mại hai nước 2021 tăng hơn 49%,đạt 12,4 tỷ USD. Và đà tăng này đang tiếp tục trong 2022. Hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân đi vào chiều sâu vun đắp nền tảng xã hội bền chặt cho quan hệ hai nước.

Với hơn 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia, hợp tác giáo dục đã trở thành sợi dây văn hóa nhịp cầu hữu nghị kết nối bền chặt giữa hai dân tộc. Cộng đồng người Việt Nam tại Australia với hơn 350.000 người cũng đã và đang đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

Đặc biệt, Việt Nam rất trân trọng Australia đã hỗ trợ kịp thời, với khối lượng rất lớn, 26 triệu liều vaccine COVID-19. Đúng như các bạn vẫn hay nói “Người bạn trong lúc khó khăn mới là người bạn đích thực” còn Việt Nam chúng tôi thì có câu “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau.”

Thưa quý vị,

Quan hệ nghị viện giữa quốc hội Việt Nam và Australia đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự phát triển của quan hệ song phương. Với nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn nghị sĩ, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động nghị viện, nhất là trong xây dựng thể chế và hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, Quốc hội hai nước có sự ủng hộ tích cực lẫn nhau tại các Diễn đàn Nghị viện đa phương mà hai nước là thành viên như Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP).

Quan hệ song phương bền chặt chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng quan hệ sâu sắc giữa người dân hai bên. Do đó, là những người đại biểu của nhân dân, nghị viện hai nước là cầu nối quan trọng kết nối mục tiêu phát triển của hai quốc gia, và nguyện vọng tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Có thể nói quan hệ Việt Nam - Australia đang phát triển bền chặt hơn bao giờ hết. Sau 50 năm, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã cùng nhau vượt qua một chặng đường dài để đưa quan hệ hai nước phát triển đến một tầm mức mà ở thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao, ít người hình dung ra được.

Năm 2023 là Năm hữu nghị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia. Đây là thời điểm để hai đảng cầm quyền, hai quốc hội, hai chính phủ và nhân dân hai nước thúc đẩy hợp tác thực chất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nắm bắt thời cơ mới và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, đưa quan hệ lên một tầm cao mới. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, đi đôi với các lĩnh vực hợp tác toàn diện đang được triển khai, tôi muốn nhấn mạnh thêm ba nội dung sau:

Trước hết, tăng cường gắn kết kinh tế - thương mại coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong đó, cần thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối kết cấu hạ tầng hàng hải, hàng không trong khuôn khổ song phương và đa phương, tiểu vùng và khu vực; phối hợp chặt chẽ cùng ASEAN trong tranh thủ hiệu quả các sáng kiến hợp tác liên kết kinh tế ở khu vực.

Thứ hai, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh. Trong đó hai nước cần ưu tiên cùng nhau đẩy mạnh hợp tác khu vực và toàn cầu để ứng phó với các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực, năng lượng, tài chính; an ninh biển; cùng hỗ trợ nhau phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là tại tiểu vùng sông Mekong; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, khuyến khích các nước lớn, các đối tác đóng góp có trách nhiệm vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á -Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thứ ba, xây dựng thành công các trụ cột hợp tác chiến lược về tri thức, giáo dục đào tạo và đổi mới sáng tạo; cùng hỗ trợ nhau thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả với Australia trong các lĩnh vực năng lượng xanh, công nghệ xanh, nông nghiệp xanh, kinh tế xanh, kinh tế số.

Thưa Quý vị,

Tôi lạc quan về tương lai quan hệ Việt Nam - Australia trong 50 năm tới. Hai nước chúng ta đang đứng trước những cơ hội lớn lao để đưa quan hệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng tới tầm vóc cao hơn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã nói “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tôi tin tưởng rằng quan hệ bền chặt, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau giữa Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục là nhân tố “bất biến” để hai nước vượt qua và chiến thắng những“vạn biến” khó lường tại khu vực và thế giới.

Tôi chúc Viện Chính sách Việt Nam - Australia phát triển thành công.

Xin cảm ơn!”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục