Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt 5,61%

15:44' - 28/06/2021
BNEWS Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,61%. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh hiện nay.

Theo công bố của Cục Thống kê thành phố Cần Thơ ngày 28/6, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nhưng nhiều ngành sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố đã có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,61%. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Cần Thơ, trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát và khó khăn như hiện nay thì đây là mức tăng trưởng khá và là điểm sáng trong nền kinh tế.

Trong khi cùng kỳ năm 2020 cũng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì nền kinh tế của thành phố có mức tăng trưởng âm 0,45%...

Các khu vực có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm là khu vực dịch vụ tăng 6,64% và có đóng góp 3,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng 5,69% và đóng góp 1,73 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,72% và đóng góp 0,29 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,82% và đóng góp 0,19 điểm phần trăm.

Cụ thể như khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay gặp nhiều thuận lợi trong sản xuất. Diện tích lúa Đông Xuân 2020-2021 đã thu hoạch dứt điểm 77.187 ha, sản lượng đạt trên 525 ngàn tấn, vượt 4,78% kế hoạch và tăng 0,45% so với cùng kỳ; sản lượng thịt gia súc, gia cầm ước đạt trên 15.000 tấn, tăng 23,82% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt trên 97.800 tấn, tăng 2,95% so với cùng kỳ.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh, nhưng do có sự chuẩn bị tốt và kinh nghiệm tổ chức sản xuất từ các đợt dịch trước nên nhìn chung, các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương như sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 5,4%; sản xuất đồ uống tăng 5,82%; sản xuất trang phục tăng 5,91%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 7,7%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 5,74%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu  tăng 5,9%; khai thác xử lý và cung cấp nước tăng 11,55%...

Khu vực dịch vụ mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng nhờ quản lý và thực hiện tốt phòng, chống COVID-19 trên địa bàn nên một số lĩnh vực có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ như bán buôn tăng 11,45%, bán lẻ tăng trên 8%, dịch vụ ăn uống tăng 6,05%, vận tải đường bộ tăng 7,71%, vận tải đường thủy tăng 10,82%, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải tăng 9,77%...

Tuy nhiên, một số lĩnh vực dịch vụ có mức suy giảm mạnh như vận tải hàng không giảm 55,98%, hoạt động sáng tác nghệ thuật và vui chơi giải trí giảm 8,67% do tình hình dịch bệnh…

Để đạt được mức tăng trưởng GRDP trong năm 2021 là từ 7,5-8% theo như Nghị quyết của thành phố Cần Thơ đề ra trong 6 tháng cuối năm 2021 GRDP phải đạt mức tăng từ 9,3-9,5%, song trong điều kiện hiện nay thì mức tăng trưởng trên là hết sức khó khăn và là thách thức lớn cho thành phố.

Ông Lê Ngọc Bảy cho rằng thành phố Cần Thơ phải có các giải pháp đồng bộ, tích cực, nhanh chóng và hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, thành phố cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan trong cộng đồng, đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển, tiếp tục cải cách quy trình thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm quy mô lớn.

Mặt khác, thành phố cũng như các cơ quan chức năng cần có chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng cống thiên tai đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, thực hiện tốt trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai sẽ được hỗ trợ kịp thời khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục