Kinh tế đang tiếp tục duy trì ổn định trong bối cảnh đại dịch COVID-19

12:49' - 04/06/2021
BNEWS Dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nên các bộ, ngành cần phối hợp cùng nhau để có các giải pháp tiếp tục ổn định kinh tế cũng như đảm bảo đời sống cho người lao động...

Mặc dù dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung kinh tế vĩ mô đang tiếp tục duy trì ổn định; tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp cũng đáng khích lệ, chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm… Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tiếp tục có tác động lớn tới các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không… và người lao động, nhất là người lao động trong khu công nghiệp… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nên các bộ, ngành cần phối hợp cùng nhau để có các giải pháp tiếp tục ổn định kinh tế cũng như đảm bảo đời sống cho người lao động trong tình hình khó khăn này.

* Những kết quả tích cực

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm. Theo đó, sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực vẫn khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng khá, tính chung 5 tháng, IIP ước tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng hai con số và ước đạt 12,6%. Sản xuất nông nghiệp tích cực, năng suất và sản lượng lúa đều tăng so với cùng kỳ.

Cùng với đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt với chỉ số CPI tháng 5 tăng 0,16% so với tháng 4 và theo đó, CPI bình quân 5 tháng chỉ tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Các cân đối lớn của nền kinh tế cũng được bảo đảm và tiến độ thu ngân sách tiếp tục xu hướng tích cực. Lũy kế 5 tháng năm 2021 đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao với kim ngạch xuất khẩu ước tăng 30,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, huy động vốn của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng vẫn rất tích cực. Tốc độ tăng tín dụng toàn hệ thống đạt 4,67% so với cuối năm 2020 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.

Cũng trong tháng 5, tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có sự biến động lớn. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng năm 2021 đạt gần 55,8 nghìn doanh nghiệp và là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong 5 năm qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong tháng 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những khó khăn. Đó là, dịch COVID-19 khiến nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp hạn chế, giãn cách làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 giảm 1% so với cùng kỳ năm 2020. Chịu tác động lớn nhất vẫn là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành với doanh thu trong tháng 5 giảm lần lượt 11,8% và 17,8%.

Do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, 5 tháng qua, cả nước cũng có tới 59,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao. Điều này phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.

Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước còn chậm. Ước giải ngân 5 tháng năm 2021 đạt 102 nghìn tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, vốn trong nước đạt 21,9%, vốn nước ngoài đạt 2,97%.

Các chuyên gia ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, triển khai các giải pháp đã đề ra; năng lực quản lý, điều hành, thi công của các ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế; giá các vật liệu như sắt, thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động triển khai dự án, thi công.

Mặc dù, thu hút vốn FDI đã tăng trở lại với con số tính chung 5 tháng năm 2021 đạt 14 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng nhìn chung mức vốn FDI thu hút được là không cao, tốc độ tăng trưởng dương chủ yếu do mặt bằng thu hút vốn FDI năm 2020 ở mức thấp.

“ Dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động bị mất việc và gặp khó khăn về tài chính, tỷ lệ người rút sổ bảo hiểm xã hội hưởng một lần tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng tới đời sống người lao động khi về già, tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

* Không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng chưa ổn định; thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kết nối cung cầu lao động, bảo đảm an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn... là những khó khăn đang được đặt ra trong những tháng tới.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình Chính phủ xem xét một số giải pháp như: Bộ Y tế phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế. Nghiên cứu, mở rộng phạm vi, đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine với khu vực bị ảnh hưởng và có khả năng bùng phát dịch bệnh.

“ Bối cảnh hiện nay cho thấy, sự cần thiết phải đẩy mạnh quá trình mua và triển khai tiêm vaccine, không chỉ giúp bảo đảm sức khỏe người dân mà còn là giải pháp căn cơ để phục hồi nền kinh tế.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước những khó khăn của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị, nợ xấu là rủi ro vĩ mô cần được theo dõi sát sao trong thời gian tới. Nợ xấu của một số ngân hàng có xu hướng tăng cao do tác động liên tục của dịch bệnh đến doanh nghiệp, làm suy giảm chất lượng tài sản. Nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia đánh giá nợ xấu còn tiềm ẩn từ các khoản nợ được cơ cấu lại. “Dự báo nợ xấu có khả năng tiếp tục gia tăng, nhất là trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Cùng với đó, dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong các tháng còn lại của năm 2021 chủ yếu do kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhanh, trong khi nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu sẽ khiến giá cả gia tăng. Giá cả một số nguyên, vật liệu trong nước ở mức cao, tạo áp lực tăng giá một số sản phẩm thời gian tới.

Do đó, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát các biến động, xu hướng giá cả trên thế giới của một số mặt hàng nguyên, vật liệu có giá tăng cao như: thép, xi măng…; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá cả trong thời gian tới. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện chính sách hỗ trợ giá điện đối với các cơ sở lưu trú du lịch và cơ sở phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu; điều chỉnh, tạm dừng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh để đáp ứng nhu cầu của thị trường, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các dự án cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Đồng thời, các địa phương chủ động cập nhật, điều chỉnh và công bố đơn giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với diễn biến thị trường để bảo đảm tiến độ dự án, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu và sản phẩm thép đã tăng rất cao, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng. Theo đó, để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

“ Bộ Công Thương cũng yêu cầu, các đơn vị chức năng thuộc bộ kiến nghị, ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo tình hình dịch bệnh còn phức tạp, do vậy, cần duy trì, nhân rộng các mô hình, phương pháp hay, hiệu quả đối với nhiều mặt hàng nông sản khác sắp đến kỳ thu hoạch để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục