Tồn kho ngành thép tiếp tục tăng cao

18:16' - 14/04/2017
BNEWS Giá nguyên liệu thép đang có diễn biến không ổn định do phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và các nước khác.
Tồn kho ngành thép tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm 2017. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến hết tháng 3, lượng tồn kho thép xây dựng là hơn 576.000 tấn, tăng 17% so với thời điểm cuối tháng 2/2017. Như vậy, lượng tồn kho trong quý I đã liên tục tăng.

Mặc dù chưa đáng lo ngại nhưng VSA cho rằng, cần có những động thái cụ thể để đẩy mạnh tiêu thụ hàng, xuất khẩu, giảm tồn kho trong thời gian tới.

VSA cũng nhận định, nhìn chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép quý I/2017 có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016, nhưng tăng trưởng bán hàng đạt thấp hơn mức dự báo cho năm 2017 là 12%.

Cụ thể, sản xuất đạt hơn 4,63 triệu tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ, nhưng bán hàng chỉ đạt hơn 3,76 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Dự báo trong quý II/2017, sản xuất thép đạt 4,5 triệu tấn và bán hàng khả quan hơn, đạt 4,1 triệu tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, hiện giá nguyên liệu thép đang có diễn biến không ổn định. Ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và các nước khác.

Về xuất khẩu, nhiều quốc gia đang tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, áp thuế cao đối với thép Việt Nam. Các nước như Mỹ, Australia, Thái Lan, Malaysia đều đã sử dụng phòng vệ thương mại với sản phẩm tôn mạ kẽm, tôn phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đang có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt nhằm duy trì thị phần.

Do đó, Hiệp hội cho rằng, các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới và trong nước để có sự điều chỉnh linh hoạt về kế hoạch sản xuất kinh doanh, chính sách bán hàng và tăng cường xúc tiến thương mại để tìm thị trường xuất khẩu mới.

Ngoài ra, các bộ ngành cũng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi xuất khẩu, đồng thời có các biện pháp quản lý chất lượng thép, hạn chế nhập khẩu thép giá rẻ, gian lận thương mại, góp phần tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước.

Thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành liên tiếp các biện pháp tự vệ để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Cụ thể, sau các biện pháp tự vệ tạm thời, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng 1 năm, từ ngày 22/3/2017 đến 21/3/2018.

Mới đây nhất là quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc với mức cao nhất lên đến 38,34%...

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, tìm ra nguyên nhân và giải pháp đối với những mặt hàng thép nhập khẩu có kim ngạch tăng đột biến nhằm đảm bảo kiểm soát nhập khẩu và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước.

Bộ cũng sẽ thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế, những biến động của thị trường xuất nhập khẩu thép để kịp thời có phản ứng chính sách trước những diễn biến mới, đồng thời có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường;

Sớm có các biện pháp quản lý nhập khẩu kịp thời, đặc biệt là đối với một số mặt hàng đang tăng nhanh trở lại như thép phế liệu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục