Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế

15:38' - 14/11/2019
BNEWS Ngành thuế luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa quản lý thu thuế, giúp cơ quan thuế, người nộp thuế giảm chi phí và thời gian.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục thuế Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.
Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi tiền thuế nợ đọng, ngành thuế luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa quản lý thu thuế, giúp cơ quan thuế, người nộp thuế giảm chi phí và thời gian. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về những đóng góp của ngành thuế trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Phóng viên: Ông cho biết, cải cách hành chính thuế có ý nghĩa như thế nào đối với cải thiện môi trường kinh doanh?

Ông Cao Anh Tuấn: Chỉ số nộp thuế là một trong 10 tiêu chí thành phần “Thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh, tuyển dụng và sa thải lao động, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại quốc tế,  thực thi hợp đồng, giải thể doanh nghiệp ” được Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát và đánh giá môi trường kinh doanh của một nền kinh tế (điểm số được tính trung bình của 10 tiêu chí thành phần).

Như vậy, để cải thiện môi trường kinh doanh của một nền kinh tế nói chung và của Việt Nam nói riêng, cần phải có cải cách mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Theo tiêu chí đánh giá của WB cần cải cách trên 10 lĩnh vực trên. Trong từng tiêu chí thành phần, ví dụ như “chỉ số nộp thuế” thì việc cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò trọng tâm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Trong những năm qua, ngành thuế đã tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã được hưởng lợi từ những cải cách này.

Những cải cách về thủ tục hành chính thuế đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua. Tại báo cáo Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing business 2020 (DB 2020) toàn cầu vừa được WB công bố, đã ghi nhận những cải cách về chỉ số nộp thuế giúp việc kinh doanh dẽ dàng hơn và là một trong hai chỉ số có cải cách mạnh mẽ nhất.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2020, Việt Nam xếp thứ 70/190 nền kinh tế được đánh giá, đạt 69,8/100 điểm, cao hơn mức năm ngoái 68,36/100.

Phóng viên: Đến nay, cải cách thủ tục hành chính thuế đã đạt những kết quả gì thưa ông?

Ông Cao Anh Tuấn: Cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên mà ngành thuế luôn chú trọng. Trọng tâm của cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua là cắt giảm, đơn giản hóa, điện tử hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước. Giảm chi phí tuân thủ, giảm thủ tục hành chính cho ngân sách nhà nước.

Cho đến nay các thủ tục hành chính thuế được chuẩn hóa và đơn giản hóa. Các thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều được thực hiện theo phương thức điện tử.

Tính đến hết tháng 10/2019, hệ thống khai thuế điện tử đã triển khai tại các tỉnh, thành phố và 100%  chi cục thuế trực thuộc. Số lượng doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đạt 99,29% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98,62%. Tất cả các tỉnh đã triển khai với tỷ lệ 93,68% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử.

Những cải cách thủ tục hành chính về thuế trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế, được cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam ghi nhận.

Năm 2018, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã công bố, đánh giá thủ tục hành chính thuế có chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thấp nhất (73.000 đồng), thời gian thực hiện thấp nhất (2,9 giờ) trong 8 nhóm thủ tục hành chính được Chính phủ đánh giá.

Báo cáo môi trường kinh doanh 2020 của WB đã đánh giá, ghi nhận những cải cách thủ tục hành chính thuế của Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc trên bảng xếp hạng.

Số giờ nộp thuế giảm từ 351 giờ xuống 237 giờ, giảm 114 giờ; trong đó, 94 giờ giảm là do cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về khai thuế giá trị gia tăng, 20 giờ giảm là do những cải cách về nộp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Số lần nộp thuế giảm từ 10 lần xuống còn 6 lần, giảm 4 lần thủ tục về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận giảm từ 37,8% xuống 37,6%.

Phóng viên: Để đạt được kết quả trên, ngành thuế đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Cao Anh Tuấn: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, hàng năm Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện cải cách hành chính.

Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Tổng cục Thuế đã ban hành các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Từ đó, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Mục tiêu trọng tâm là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, vận dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế…; mục tiêu đến hết năm 2019, nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế năm 2019 từ 7 - 10 bậc trên bảng xếp hạng của WB.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, như mục tiêu “Nâng xếp hạng chỉ số năm 2019 từ 7-10 bậc”, ngay từ đầu năm Tổng cục Thuế đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ với 15 giải pháp và 25 sản phẩm đầu ra.

Đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng chỉ số nộp thuế, ví dụ như  đã hoàn thành xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 (Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14) có hiệu lực thi hành 01/7/2020.

Với những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, cơ bản ngành thuế đã đạt mục tiêu đề ra; trong đó, mục tiêu quan trọng là nâng chỉ số nộp thuế 22 bậc trên bảng xếp hạng từ 131 lên 109 trong số 190 nền kinh tế vừa được WB công bố, vượt chỉ tiêu Chính phủ, Bộ Tài chính giao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục