Tổng Giám đốc IMF: Thế giới có nguy cơ tăng trưởng thấp, nợ cao

10:08' - 25/10/2024
BNEWS Tổng Giám đốc IMF cảnh báo thế giới có nguy cơ sa lầy vào con đường tăng trưởng thấp, nợ cao, khiến các chính phủ có ít nguồn lực hơn để cải thiện cơ hội cho người dân và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới ngày 24/10, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo thế giới có nguy cơ sa lầy vào con đường tăng trưởng thấp, nợ cao, khiến các chính phủ có ít nguồn lực hơn để cải thiện cơ hội cho người dân và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các thách thức khác.

Bà Georgieva nhận định, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có thể "hạ cánh mềm", với lạm phát cao được kiểm soát mà không gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng hoặc tình trạng mất việc làm ồ ạt. Tuy nhiên, các gia đình vẫn đang bị tổn thương vì giá cả cao và tăng trưởng toàn cầu đang yếu.

 
IMF ngày 22/10 đã công bố dự báo kinh tế mới cho thấy tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm nhẹ vào năm 2029 xuống 3,1% từ mức 3,2% trong năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2000-2019, khi sức mạnh hiện tại của Mỹ suy yếu.

Bà Georgieva nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể chậm lại dưới 4%, nếu chính phủ nước này không có hành động quyết đoán để chuyển đổi mô hình kinh tế từ dựa vào xuất khẩu và đầu tư sản xuất sang dựa vào nhu cầu tiêu dùng.

Sau một thời gian dài duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bằng hoặc cao hơn mục tiêu 5% mà chính phủ nước này đề ra, IMF vừa qua đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của kinh tế Trung Quốc xuống 4,8%, với mức dự báo giảm xuống 4,5% vào năm 2025.

Trong khi đó, báo cáo giám sát tài chính của IMF dự báo nợ công trên toàn cầu lần đầu tiên sẽ lên tới 100.000 tỷ USD trong năm nay và tiếp tục tăng khi các nhà hoạch định chính sách ngày càng ủng hộ việc tăng chi tiêu và phản đối việc tăng thuế. Tỷ lệ nợ công trên GDP, hiện là 93%, được cho sẽ lên đến 100% vào năm 2030, vượt mức đỉnh điểm trong đại dịch COVID.

Theo bà Georgieva, việc nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ mắc kẹt trên con đường tăng trưởng thấp, nợ cao có thể làm giảm thu nhập và việc làm. Điều đó cũng có nghĩa là thu ngân sách bị hạn chế, do đó có ít nguồn lực hơn cho các gia đình và cho việc ứng phó với những thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục