Tổng giám đốc Tập đoàn FPT: Tự chủ công nghệ - thời và thế đã sẵn sàng

08:23' - 31/01/2022
BNEWS FPT tiếp tục đầu tư và ứng dụng những công nghệ mới và hiện đại nhất như: tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây…, đóng góp nhiều hơn, cho sự phát triển của quốc gia.

Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp số và con số đang không ngừng tăng lên. Thời và thế đã sẵn sàng, chỉ bằng tự chủ công nghệ chúng ta mới có thể vươn lên mạnh mẽ.

 

Đây là nhận định của Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Văn Khoa trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Phóng viên: Là doanh nghiệp công nghệ đầu ngành, thực hiện nhiều dự án công nghệ cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Ông có suy nghĩ gì về sự tự chủ công nghệ, không phụ thuộc nước ngoài?

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Việt Nam đưa ra quan điểm “phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Nếu không tự chủ về công nghệ, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường”.

Việt Nam hiện đứng thứ 25 trong Top 50 quốc gia số theo báo cáo của Công ty tư vấn Tholons (Mỹ). Chúng ta có 64.000 doanh nghiệp số và con số đang không ngừng tăng lên. Thời và thế đã sẵn sàng, chỉ bằng tự chủ công nghệ chúng ta mới có thể vươn lên mạnh mẽ.

Trong thời gian tới, FPT sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất như: tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây…, đóng góp nhiều hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển của quốc gia, địa phương, doanh nghiệp, mọi người dân có cuộc sống thuận tiện, an toàn, văn minh nhờ các dịch vụ số.

FPT tự tin có thể làm được điều này, bằng kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc với các thị trường tiên tiến nhất thế giới, với những giải pháp đã được xếp hạng đẳng cấp quốc tế, với hơn 20.000 kỹ sư công nghệ và đặc biệt là được đảm bảo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao từ Tổ chức giáo dục FPT.

Phóng viên: Năm qua, FPT đã cùng với ngành chứng khoán giải quyết dứt điểm nghẽn lệnh trên sàn Tp. Hồ Chí Minh (HOSE). Nhờ vậy, thị trường chứng khoán đã có một năm thăng hoa cả về thanh khoản và điểm số. Từ sự kiện này, ông có suy nghĩ, mong muốn gì về những đóng góp và được đóng góp của doanh nghiệp công nghệ trong các vấn đề lớn của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp?

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa: Việc FPT xử lý sự cố nghẽn lệnh sàn HOSE không chỉ giúp sàn hoạt động ổn định trong 1 năm dòng tiền giao dịch tăng kỷ lục, mà còn bảo vệ hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư.

Nếu chờ đợi đơn vị nước ngoài giải quyết bài toán sàn HOSE, thời gian có thể mất tới cả năm, thậm chí vài năm. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự phối hợp nhịp nhàng cùng HOSE, FPT đã thực hiện dự án chỉ trong 100 ngày. Điều này đã khẳng định được năng lực công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt.

Đối diện các bài toán lớn mang tầm vóc quốc gia, hay các bài toán kinh doanh - vận hành của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp công nghệ chúng tôi không thể khoanh tay đứng nhìn.

Trong năm 2021, với trách nhiệm đồng hành cùng công cuộc chuyển đổi số quốc gia, FPT đã cùng 40 tỉnh, thành trên cả nước chuyển đổi số toàn diện, thực hiện các chương trình đào tạo thay đổi nhận thức về chuyển đổi số cho hơn 10.000 cán bộ lãnh đạo các cấp.

Chúng tôi đã cùng cộng đồng doanh nghiệp ở mọi quy mô, lĩnh vực, vùng miền bắt tay giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng để phục hồi nhanh chóng, bứt phá ngay trong đại dịch.

Công ty cổ phần Tập đoàn Kim Tín, Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, AceCook…và rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống quản trị, cho chuyển đổi số ngay trong năm COVID-19.

Phóng viên: Đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. Là doanh nghiệp đầu ngành về công nghệ của Việt Nam, FPT có những ý tưởng, hành động gì để không chỉ đạt kết quả kinh doanh tích cực cho riêng mình mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó khăn?

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa: Đại dịch COVID-19 đã đặt tất cả doanh nghiệp vào một cuộc chiến sinh tử. Không đứng ngoài cuộc chiến, FPT đối diện nhiều thách thức chưa từng có, vừa phải đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra liên tục, thông suốt, vừa bảo vệ tính mạng, sự an toàn của cán bộ nhân viên tại 27 quốc gia trên toàn cầu.

Chúng tôi đã chủ động tìm lời giải bằng công nghệ và các sản phẩm đột phá. Từ kinh nghiệm trong những đợt dịch, chúng tôi phát triển các giải pháp phát huy hiệu quả trong hoạt động nội bộ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp với các chương trình FPT eCovax – cung cấp vaccine công nghệ giúp doanh nghiệp tăng đề kháng số, đối chọi với đại dịch, cùng vượt mọi thách thức trong bối cảnh giãn cách xã hội và giờ là bình thường mới.

Chúng tôi đã cho ra đời hàng loạt “mũi tiêm” như: FPT eCovax Không chạm giúp doanh nghiệp vận hành thông suốt trong bối cảnh giãn cách, gói giải pháp FPT eCovax Pháo đài xanh giúp quản lý, khoanh vùng F0 ở phạm vi ảnh hưởng nhỏ nhất, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động ứng phó với các rủi ro dịch bệnh khi mở cửa vận hành trở lại. Gần đây nhất với FPT eCovax - Nhân lực tiếp tục cung cấp nguồn “nhiên liệu” lao động cho doanh nghiệp, khi hàng triệu lao động hồi hương.

Sau hơn 4 tháng kể từ làn sóng thứ 4 của đại dịch, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp ở mọi quy mô, vùng miền tiếp cận và sử dụng miễn phí các giải pháp FPT eCovax của Tập đoàn FPT.

Phóng viên: Mục tiêu lớn của FPT trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa: Phụng sự quốc gia là sứ mệnh mà FPT luôn mang trong mình từ lúc khai sinh. Đây là kim chỉ nam soi chiếu cho mọi hoạt động của tập đoàn trong suốt 33 năm qua.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành và tận lực để góp phần hiện thực hóa khát vọng mới của đất nước, đưa Việt Nam phát triển hơn nữa bằng công nghệ số, hướng đến mô hình quốc gia số với ba trụ cột chính là Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

FPT cung cấp giải pháp hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số; tham gia xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh để thêm triệu triệu người dân được hưởng lợi, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước.

Chúng tôi xây dựng hệ sinh thái giải pháp toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong đời sống cá nhân và kinh doanh.

Bằng chuyển đổi số, tôi tin rằng chính quyền các địa phương và doanh nghiệp sẽ hành động nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh đầy thách thức mới, gia tăng sức cạnh tranh trong dài hạn.

Bằng công nghệ, chúng tôi tin tưởng sẽ cùng Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế thế giới, điểm đến hấp dẫn về đầu tư nước ngoài.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp số và con số đang không ngừng tăng lên. Thời và thế đã sẵn sàng, chỉ bằng tự chủ công nghệ chúng ta mới có thể vươn lên mạnh mẽ. Đây là nhận định của Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Văn Khoa trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục