Tổng thống Donald Trump có khiến Phố Wall hốt hoảng?

05:30' - 02/05/2017
BNEWS Với Phố Wall, ông Donald Trump từ chỗ là “Tổng thống trong mơ” có thể chuyển thành “nỗi ác mộng lớn nhất”, tờ The Week (Mỹ) tổng hợp các đánh giá của dư luận.
Tổng thống Donald Trump có khiến Phố Wall hốt hoảng? Ảnh:AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ đã tuyên bố sẽ rút lại các quy định tài chính ngặt nghèo, trong đó có việc bãi bỏ đạo luật Dodd-Frank, khiến các ngân hàng lớn hoan hỉ. Nhưng các cố vấn hàng đầu của ông lại tiếp tục lấp lửng về ý tưởng làm phương hại đến lợi ích của các ngân hàng lớn nhất, khiến họ phải lo lắng.

Trong cuộc gặp với một nhóm các nghị sĩ Mỹ mới đây, Gary Cohn - Cố vấn kinh tế, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, có nói rằng chính quyền đang tính đến việc khôi phục lại đạo luật Glass-Steagal.

Đây là đạo luật từng được áp dụng trong thời kỳ Đại suy thoái, tách bạch ngân hàng bán lẻ với ngân hàng đầu tư, phân chia ngành tài chính thành các công ty thương mại ở Phố Wall và các ngân hàng nhận tiền gửi đặt tại phố Main. Glass-Steagal được duy trì cho tới cuối những năm 1990 dưới thời của Tổng thống Bill Clinton.

Khôi phục lại đạo luật này là hành động hiếm có của Washington - một ý tưởng nhận được sự ủng hộ từ phía cả hai đảng. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren đã nắm lấy phát biểu của ông Cohn để tái đề xuất dự luật do bà và ông John McCain đồng bảo trợ, có tên gọi “Đạo luật Glass-Steagal Thế kỷ 21”. Thật bất ngờ, đưa Phố Wall “trở lại vòng kim cô lại trở thành mốt”.

“Chia tách ngân hàng đem lại nhiều lợi ích”, cây bút Barry Ritholtz viết trên tờ Bloomberg. Theo đó, việc bỏ đạo luật Glass-Steagal có thể không hẳn là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính năm 2008 như nhiều người cáo buộc, nhưng việc khuyến khích các ngân hàng phình to về quy mô, không tách bạch về nghiệp vụ thì hẳn nhiên khiến cú đứt gãy “tồi tệ hơn rất nhiều”.

Sự trở lại của Glass-Steagal sẽ tái lập “bức tường lửa” giữa Phố Wall và Phố Main thông qua việc ngăn chặn các nhà đầu tư lớn mạo hiểm dùng những khoản tiền gửi hàng ngày của người dân vào các hoạt động đầu cơ đầy may rủi.

Nhưng cũng còn một lợi ích khác nữa: Khôi phục đạo luật này sẽ chấm dứt vấn nạn thường được biết tới là những ngân hàng “không bao giờ sụp đổ vì quá lớn”. Sau cùng, khi một ngân hàng đầu cơ phá sản, thì ai sẽ là người thực sự e sợ? Các nhà đầu tư lớn sẽ chịu thiệt hại, những người tiêu dùng sẽ cơ bản được an toàn.

Giới ngân hàng đang lo lắng và nên là như vậy. “Nỗi tức giận đang tăng lên ở cả hai dãy phố. Sự trở lại của Glass-Steagal sẽ là mũi tiêm phòng ngừa đối với các chính trị gia trước các cáo buộc quá mềm mỏng với các đế chế tài chính lớn”, tờ Thời báo Tài chính (Anh) nhận định.

Thoạt nhìn, thật là lạ khi ông Cohn, cựu lãnh đạo quyền lực số 2 tại Goldman Sachs, lại nằm trong nhóm hối thúc Tổng thống Trump dồn ép giới ngân hàng.

Nhưng điều này có thể cũng chẳng mấy ngạc nhiên, vì trong suốt lịch sử của mình, Goldman Sachs là ngân hàng đầu tư thuần túy, giữ vị trí thống lĩnh trong ngành tài chính ngân hàng. Nhưng sau khi Glass-Steagal bị bãi bỏ, Goldman Sachs đã phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều tập đoàn hoạt động trong ngành dịch vụ tài chính như Citigroup và JPMorgan Chase.

Có lẽ, ông Cohn đã nghĩ về điều này. Glass-Steagal đã trở thành con đường ngắn nhất để lặp lại trật tự đối với nhóm các ông chủ nhà băng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục