Tổng thống Mỹ ký loạt sắc lệnh khôi phục ngành than giữa “cơn khát” điện

11:20' - 09/04/2025
BNEWS Ngày 8/4, Tổng thống Mỹ đã ký loạt sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy sản xuất than nội địa, trong nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp từng là “xương sống” của năng lượng Mỹ.

Ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy sản xuất than nội địa, trong nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp từng là “xương sống” của năng lượng Mỹ nhưng đã suy giảm mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu điện tại Mỹ lần đầu tiên tăng trở lại sau gần 20 năm, chủ yếu do sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện và tiền điện tử. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, than hiện chỉ cung cấp dưới 20% điện năng tại Mỹ, giảm mạnh so với 50% năm 2000 do sự trỗi dậy của khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời và gió.

 

Phát biểu tại Nhà Trắng trước khoảng 30 thợ mỏ than, Tổng thống Trump tuyên bố: "Chúng tôi đang đưa ngành công nghiệp đã bị bỏ hoang trở lại”. Ông cam kết đưa thợ mỏ trở lại làm việc, khi lực lượng lao động ngành than tại Mỹ đã giảm từ 70.000 xuống còn khoảng 40.000 người trong 1 thập kỷ qua.

Theo đó, sắc lệnh mới gồm các nỗ lực nhằm cứu các nhà máy điện than có khả năng bị đóng cửa, đồng thời việc "mở khóa" các thẩm quyền trong Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950 để thúc đẩy sản xuất than.

Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright cũng được giao nhiệm vụ đánh giá vai trò của than luyện kim trong ngành công nghiệp thép, xem xét phân loại đây là “khoáng sản quan trọng”, từ đó mở đường cho việc sử dụng quyền lực khẩn cấp để thúc đẩy khai thác.

Ngoài ra, một lệnh khác yêu cầu cơ quan chức năng rà soát và vô hiệu hóa các luật khí hậu cấp bang, được cho là cản trở phát triển năng lượng hóa thạch, đặc biệt là các chính sách hạn chế sử dụng than. Đồng thời, cần chấm dứt lệnh tạm hoãn cho thuê quyền khai thác than trên đất liên bang, cho phép các công ty tư nhân tiếp cận lại nguồn tài nguyên này.

Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã công bố khoản tài chính trị giá 200 tỷ USD để hỗ trợ các công nghệ mới liên quan đến than, chẳng hạn như thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) - một lĩnh vực từng bị bỏ qua dưới các chính quyền trước.

Mặc dù cổ phiếu của các công ty than lớn như Peabody và Core Natural Resources đã tăng gần 9% sau khi chính quyền Mỹ công bố sắc lệnh mới, giới chuyên gia cho rằng hiệu quả dài hạn vẫn chưa chắc chắn. Hiện tại, các nhà máy than chỉ hoạt động khoảng 40% thời gian trong năm, do khí đốt tự nhiên rẻ hơn, năng lượng tái tạo ngày càng phát triển và các quy định môi trường nghiêm ngặt.

Việc hỗ trợ ngành than không phải là điều mới dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng yêu cầu trợ cấp cho các nhà máy than vì vai trò đảm bảo độ tin cậy của lưới điện, nhưng kế hoạch bị cơ quan quản lý năng lượng liên bang bác bỏ vào năm 2018. Tuy nhiên, với sự gia tăng tiêu thụ điện hiện tại, phe ủng hộ hy vọng cách tiếp cận lần này sẽ có kết quả.

Các nhóm môi trường phản ứng gay gắt trước kế hoạch này. Giám đốc bộ phận Năng lượng của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC) Kit Kennedy gọi các nhà máy điện than là “cũ kỹ, không cạnh tranh và không đáng tin cậy”. Bà cho rằng chính quyền ông Trump đang “mắc kẹt trong quá khứ” thay vì đầu tư vào tương lai của năng lượng sạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục