Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao công tác dự báo khí tượng thủy văn ở Việt Nam

15:38' - 22/10/2022
BNEWS ngày 22/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đến thăm và làm việc với Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 22/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đến thăm và làm việc với Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

 

Tiếp và đón ngài Tổng Thư ký Liên hợp quốc có: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái gửi tới ngài Tổng Thư ký và Đoàn đại biểu cấp cao của Liên hợp quốc lời cảm ơn sâu sắc, chúc chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đạt nhiều kết quả, thành công.

Theo Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, chuyến thăm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cá nhân ngài Tổng Thư ký và Liên hợp quốc đến công tác khí tượng thủy văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu tác động của thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán có tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới nhiều vùng, nhiều lĩnh vực.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các thiên tai ngày càng khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan. “Thiên tai đã ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần tăng cường hệ thống cảnh báo sớm cấp quốc gia”, ông Thái bày tỏ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn thông tin thêm, hiện nay mạng lưới quan trắc và truyền tin của Việt Nam đã được quan tâm và đầu tư nhiều trang thiết bị, cụ thể: Có 186 trạm khí tượng bề mặt, 2.500 điểm đo mưa tự động; 14 trạm đo bức xạ, 232 trạm thủy văn, 26 trạm khí tượng thủy văn biển, 10 radar thời tiết, 179 trạm quan trắc môi trường không khí và nước và 18 trạm định vị sét.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ vui mừng khi đến thăm Tổng cục Khí tượng Thủy văn – nơi có những tiến bộ về công nghệ và hiệu quả trong dự báo khí tượng, thủy văn ở Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò của công tác dự báo, cảnh báo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, khi có hệ thống cảnh báo sớm con người sẽ biết tai họa xảy ra, có thời gian để sơ tán người dân, bảo vệ tài sản. Nếu không có dự báo thì sẽ không biết thảm họa thiên nhiên khi nào xảy ra để phòng tránh và hậu quả sẽ rất khó lường. 

Mục tiêu mà Liên hợp quốc trong 5 năm tới đang cố gắng thiết lập một hệ thống liên minh cảnh báo thiên tai ở các nước với mục đích chấm dứt những thảm họa, ảnh hưởng đến sinh mạng, tài sản. Việt Nam với kinh nghiệm của mình có vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Ông António Guterres bày tỏ xúc động khi xem Tổng cục Khí tượng Thủy văn trình chiếu các sản phẩm dự báo các khu vực, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. " Tôi thấy rất vui vì các sản phẩm dự báo của các bạn không những phục vụ người dân trong nước mà còn chia sẻ với các cơ quan khí tượng của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Rõ ràng, trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, chúng ta không thể sống thiếu dự báo, đặc biệt là dự báo sớm. Các bạn có thể nhìn thấy Đồng bằng sông Cửu Long đang phải ứng phó với nước biển dâng và xâm nhập mặn, rồi bị hạn hán, thiếu nước từ thượng nguồn.

Đây là hiểm họa không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng cần biết. Cách đây mấy năm, tôi đã đến thăm Đồng bằng sông Cửu Long, tôi hy vọng, sau này khi cháu tôi đến Việt Nam sẽ thấy đây là một khu vực xanh tươi, năng động với những hoạt động kinh tế phát triển và cuộc sống thịnh vượng", Tổng Thư ký António Guterres nói.

Chia sẻ thêm về tình hình thiên tai trên thế giới, ông António Guterres cho rằng có nguyên nhân của sự buông lỏng quản lý nhà nước, từ đó sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như nước biển dâng, tác động xấu đến hệ sinh thái làm thiên tai càng cực đoan.

Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã thăm, ghi sổ lưu niệm tại Phòng truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn tại trụ sở Tổng cục Khí tượng Thủy văn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục