Tổng Thư ký VFA: Phân bón tăng giá, hiện tượng găm hàng “té nước theo mưa” có thể xảy ra
Với giá phân bón tại Việt Nam tăng rất mạnh trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp phân bón trong nước đã găm hàng tạo sốt giá để trục lợi trong khi người nông dân đối mặt với sản xuất thua lỗ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA)
Phóng viên: Thưa ông, giá phân bón trong nước 6 tháng vừa qua đã có mức tăng cực mạnh. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do một số doanh nghiệp phân bón và các đại lý găm hàng tạo khan hiếm giả trên thị trường nhằm trục lợi. Vậy quan điểm của VFA về tình trạng tăng giá này?Tổng Thư ký Phùng Hà: Từ những tháng cuối năm 2020 cho đến nay, giá phân bón, nhất là giá hai loại phân bón DAP và phân đạm ure đã tăng khá cao. Số liệu từ các nguồn khác nhau cho thấy, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, phân bón kali tăng 31%, cụ thể ở mức từ 435 – 440 USD/tấn, mức giá cao nhất từ năm 2015 đến nay.Giá phân bón tăng là bởi các nguyên nhân sau: Trước hết, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng rất nhanh, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2020. Cụ thể, lưu huỳnh và amoniac là hai nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ chi phí cao để sản xuất 2 loại phân bón DAP và MAP đã tăng giá khá nhanh. Hiện nay giá lưu huỳnh về tới các nhà máy sản xuất đã tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn (tháng 10/2020) tăng lên khoảng 210 USD/tấn và giá amoniac tăng tới 60% (tháng 4 năm 2021). Đồng thời chi phí vận chuyển nhất là vận chuyển bằng container cũng tăng chóng mặt, có số liệu cho biết giá cước vận chuyển bằng container hiện đã tăng vài lần so với năm 2020. Nguồn cung phân bón thế giới và trong nước đều sụt giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 gần 2 năm qua, nhiều nhà máy hoặc phải dừng hoặc phải giảm công suất sản xuất. Những thay đổi trong chính sách và sản lượng phân bón sản xuất tại Trung Quốc, cường quốc về sản xuất và tiêu thụ cũng ảnh hưởng nhiều đến giá và nguồn cung phân bón. Nhiều nguồn tin cho biết trong trường hợp lượng phân bón xuất khẩu tăng nhiều, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ áp thuế xuất khẩu với một số mặt hàng phân bón từ tháng 7 tới. Trước tình hình giá phân bón tăng cao, nơi này nơi kia thiếu hàng, hiện tượng găm hàng, “té nước theo mưa” có thể xẩy ra. Hiệp hội Phân bón Việt Nam không có số liệu, báo cáo cụ thể về việc găm hàng, đầu cơ nhưng VFA cho rằng việc trên xảy ra sẽ gây ra tâm lý sợ thiếu hàng, góp một phần vào việc tăng giá chứ không phải là nguyên nhân chính gây ra tăng giá phân bón. Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính cần tham gia tích cực vào việc chấm dứt các hiện tượng nêu trên. Phóng viên: Thưa ông, giá phân bón như hiện nay sẽ tác động như thế nào đến sản xuất nông nghiệp của nông dân?Tổng Thư ký Phùng Hà: Nông nghiệp nước ta trong những năm vừa qua đã đạt nhiều thành tích rất khích lệ. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2021, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 22,58 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020, riêng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), phân bón đóng góp tới hơn 40% vào tăng sản lượng, giá trị của nông sản, phần đóng góp còn lại thuộc về các biện pháp khác như thủy lợi, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa. Vì vậy, khi giá phân bón và giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật hay các loại vật tư khác đồng loạt tăng, giá thành sản xuất nông nghiệp sẽ bị đội lên. Đây chắc chắn là gánh nặng không nhỏ với người nông dân, nhất là trong tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá nhiều loại nông sản giảm mạnh, đầu ra bấp bênh, một số nông sản tăng giá tương ứng với đà tăng giá của phân bón và các loại vật tư khác nhưng có nhiều loại nông sản khác giá không tăng, đầu ra không ổn định gây khó khăn cho nông dân, Phóng viên: Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đề xuất gì với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón để hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi của việc tăng giá phân bón hiện nay, thưa ông?Tổng Thư ký Phùng Hà: Để góp phần bình ổn giá phân bón, đảm bảo nguồn cung, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, VFA đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân; từ đó loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá. Thực tế là, căn cứ vào công suất, vào khả năng sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất phân bón urea, DAP, phân bón chứa lân trong nước đều khẳng định nguồn cung phân bón là không thiếu và doanh nghiệp ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đặc biệt là các nhà máy sản xuất ure, DAP cần chủ động đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng và chủng loại phân bón, tránh tình trạng thiếu hàng, đẩy giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón cần tăng cường áp dụng giải pháp cải tiến kỹ thuật để ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý tốt nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt và phù hợp, phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt, Cơ quan quản lý Nhà nước phải yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng tồn kho và số lượng hàng bán ra thời gian gần đây. Về phía người sử dụng, vào dịp phân bón tăng giá, người nông dân càng cần sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý hơn, hiệu quả hơn, thực hiện khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng phân bón hiệu quả nhất theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng vụ và thời tiết, đúng phương pháp).Nông dân cũng nên tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ bởi loại phân này không những cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất.
Phóng viên: Theo ông, Chính phủ cần có những giải pháp gì để thị trường phân bón trong nước được hoạt động minh bạch trên cơ sở giá bán cạnh tranh lành mạnh? Tổng Thư ký Phùng Hà: Nhằm hài hóa quyền lợi giữa nhà sản xuất và nông dân trong bối cảnh giá phân bón liên tục tăng cao, Chính phủ nên sớm xem xét tạm dừng xuất khẩu phân bón. Chính phủ cũng cần yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tăng tối đa công suất sản xuất để đảm bảo nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế suất như giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế xuất khẩu, tính toán cụ thể và minh bạch thuế phòng vệ thương mại sẽ là giải pháp hiệu quả góp phần “hạ nhiệt” giá phân bón. Cùng đó, về mặt chính sách vĩ mô, Việt Nam cần tham khảo thêm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nông dân của Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc về sản xuất và tiêu thụ phân bón trên thế giới. Theo một nghiên cứu của Mỹ thì Trung Quốc và Ấn Độ, bằng hình thức này hay hình thức khác tăng trợ cấp cho nông dân để đảm bảo họ có thể mua được phân bón ở mức giá cao như hiện nay. Về lâu dài, để giá bán phân bón trong nước hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và với người nông dân, việc cần làm là sớm sửa đổi những bất cập trong Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) có hiệu lực từ năm 2015./. Phóng viên: Xin cảm ơn ông! Anh Nguyễn (Thực hiện)Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Giá phân bón thế giới tăng cao: Doanh nghiệp nỗ lực sản xuất cung ứng ra thị trường
15:10' - 27/06/2021
Theo các bản tin của Argus và Fertecon, trong tuần (18-24/6) nguồn cung ure trên toàn thế giới tiếp tục khan hiếm khiến giá loại phân bón này tiếp tục tăng.
-
Doanh nghiệp
Giải pháp nào kìm đà tăng giá phân bón?
11:02' - 23/06/2021
Để kìm chế giá tăng và bình ổn thị trường, vẫn cần sự minh bạch về sản lượng sản xuất, bán ra của doanh nghiệp.
-
Hàng hoá
Giá phân bón trong nước bước vào chu kỳ tăng theo thị trường thế giới
16:39' - 20/06/2021
Với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng phi mã và chi phí vận chuyển cũng tăng chóng mặt, giá phân bón tại Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao từ nay đến hết năm.
Tin cùng chuyên mục
-
Thị trường
Tương lai ảm đạm của thị trường nickel
06:00'
Tình trạng cung vượt cầu và nhu cầu thấp hơn dự kiến đã khiến giá nickel giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm vào đầu tháng 1/2025.
-
Thị trường
Hà Nội: Nguồn cung hàng hoá phục vụ Tết Ất Tỵ dồi dào
20:19' - 14/01/2025
Các doanh nghiệp khẳng định đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng khan hàng tăng giá.
-
Thị trường
Thị trường xe điện Trung Quốc có thể giảm tốc trong năm 2025
18:00' - 14/01/2025
Thị trường xe điện (EV) của Trung Quốc có thể giảm tốc trong năm 2025, làm tăng áp lực lên các công ty đang cố gắng tồn tại.
-
Thị trường
WinMart tăng nguồn cung hàng hóa Tết, ưu đãi lớn đến 50% trên toàn hệ thống
16:06' - 14/01/2025
Hệ thống WinMart/WinMart+/WiN triển khai chương trình ưu đãi Tết với thông điệp “Tết WIN sum vầy - Sắm Tết đủ đầy” với nhiều ưu đãi lớn lên đến 50%.
-
Thị trường
Giá dầu thô phá mốc 81 USD/thùng, giá đậu tương chạm đỉnh ba tháng
08:55' - 14/01/2025
Sự sụt giảm trong lượng dầu thô được lưu trữ trên toàn thế giới trên các tàu chở dầu cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
-
Thị trường
Định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử thông qua VneID
19:58' - 13/01/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán.
-
Thị trường
Những cây mai vàng giá "khủng" tại chợ hoa Long Xuyên
11:17' - 13/01/2025
Dịp Tết năm nay, chợ hoa Long Xuyên (thành phố Long Xuyên, An Giang) bày bán rất nhiều cây mai vàng với giá "khủng" từ vài trăm đến vài tỷ đồng.
-
Thị trường
Giá dầu thô tăng 4 tuần liên tiếp khi nhu cầu sưởi ấm cao
08:19' - 13/01/2025
Sắc xanh bao phủ toàn bộ bảng giá nhóm năng lượng trong tuần giao dịch vừa qua, trong đó giá dầu thô nối đà tăng 4 tuần liên tiếp.
-
Thị trường
Central Retail giảm giá thịt lợn trên toàn hệ thống bán lẻ
15:46' - 10/01/2025
Hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market thực hiện chương trình “Lễ hội Thịt heo” lớn nhất năm, nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo, đồng thời hỗ trợ người dân vui xuân đón Tết.