Lạm phát lương thực đang tác động đến mọi gia đình

05:30' - 15/12/2021
BNEWS Các hộ gia đình nghèo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, giờ lại phải đối mặt với tình trạng chi tiêu cho lương thực tăng đột biến.

Giá nông sản nguyên liệu đang tăng vọt. Giá dầu thực vật và nhiên liệu sinh học cũng tăng. Điều này đang tạo ra một sự lo lắng bao trùm bởi các hộ gia đình nghèo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, giờ lại phải đối mặt với việc ngân sách chi cho lương thực của họ tăng đột biến.

Bình luận về tình trạng lạm phát lương thực trên thế giới hiện nay, nhật báo Les Echos cho rằng hóa đơn mua lương thực sẽ còn tiếp tục tăng cao trên khắp hành tinh, được thể hiện thông qua việc chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) gia tăng.

Hiện chỉ số này chỉ còn thấp hơn một chút so với mức kỷ lục lịch sử hồi tháng 2/2011 (137,6 điểm). Trong tháng 11/2021, chỉ số giá tiêu dùng trung bình đã tăng 1,2%, tức là 134,4 điểm, một mức cao chưa từng có kể từ tháng 6/2011 và tương đương với giai đoạn 2007-2008, thời kỳ được đánh dấu bằng các cuộc bạo loạn ở châu Phi do nạn đói hoành hành.

"Tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng trên thế giới", Sébastien Abis, Giám đốc câu lạc bộ Déméter và chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), cảnh báo. 

Theo chuyên gia này, sự suy giảm các hoạt động kinh tế-xã hội do đại dịch đã làm giảm đáng kể thu nhập của người dân. Cùng lúc đó, lạm phát lương thực cũng tăng nhanh trong khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đòn giáng kép này đã ảnh hưởng đến toàn thế giới và trên hết là các quốc gia mới nổi, nơi lương thực chiếm hơn một nửa ngân sách chi tiêu của gia đình.

Giá dầu thực vật tăng vọt do khủng hoảng năng lượng

Cho dù đó là ngũ cốc, đường hay các sản phẩm từ sữa, tất cả các sản phẩm đều có xu hướng ngày càng đắt hơn. Điều kiện thời tiết thất thường trong mùa Hè đã làm giá ngũ cốc tăng. Giá lúa mỳ đã vượt ngưỡng kỷ lục 300 euro/tấn (tương đương 338 USD/tấn) ở Paris, một kỷ lục lịch sử. Với cuộc khủng hoảng container, chi phí vận tải đang bùng nổ đối với những mặt hàng thực phẩm dễ bị hư hỏng nhất, hay nói cách khác là khó vận chuyển nhất, chẳng hạn như đường và gạo.

Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang khiến chi phí vật tư, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là phân bón, tăng chóng mặt. Và dầu thực vật cũng không tránh khỏi tình trạng giá tăng cao. Giá dầu cọ, được tiêu thụ rộng rãi ở châu Á, đã tăng 50% trong vòng một năm qua, lên mức 1.200 USD/tấn. Antoine de Gasquet, nhà môi giới dầu thực vật tại Baillon-Intercor, nhận định: "Trong 30 năm trở lại đây, tôi chưa từng thấy một đợt tăng giá mạnh và kéo dài như vậy".

Về phía nguồn cung, tình trạng thiếu lao động tại các đồn điền ở Malaysia, nước sản xuất dầu thực vật lớn thứ hai trên thế giới, đã khiến sản xuất bị ảnh hưởng. Về phía cầu, sự quay trở lại trạng thái bình thường của thị trường dầu đã làm tăng nhu cầu của hạt có dầu. Nhà môi giới Antoine de Gasquet nhắc lại: "40% sản lượng dầu thực vật toàn cầu được dùng để sản xuất diesel sinh học", điều này trong bối cảnh lạm phát lương thực đang bắt đầu gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

"Thật bất công khủng khiếp khi thấy rằng các nhà sản xuất dùng dầu thực vật cho sản xuất nhiên liệu không gặp khó khăn trong việc chuyển giá tăng vào giá sản phẩm, trong khi nhà phân phối thực phẩm không thể làm được điều này đối với người tiêu dùng. Biên độ lợi nhuận của ngành nông sản đang bị tấn công", nhà môi giới Antoine de Gasquet cảnh báo. 

Dù ở Indonesia hay ở châu Âu, "diesel sinh học là một chủ đề chính trị, vì sản phẩm này được hỗ trợ bởi các chương trình và trợ cấp chính phủ". Tuy nhiên, nhà môi giới này cho rằng thế giới "cần phải hạn chế điều này để không làm suy yếu các chuỗi cung ứng thực phẩm".
Một nguyên nhân khác gây lo ngại không kém là ngành hàng không cũng đang tích cực xem xét việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Nhà môi giới Antoine de Gasque cho biết: "Hiện tại, ngành này đang sử dụng dầu đã qua sử dụng và chất thải nhưng với số lượng hạn chế. Nếu các hãng hàng không ồ ạt chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học, có lẽ chúng ta sẽ phải ăn khoai tây chiên trừ bữa".

Giá thịt cũng trong tình trạng căng thẳng

Trên thị trường thịt, tình trạng căng thẳng cũng đang được nhìn thấy rõ. Bằng chứng là tấm áp phích được dán ở quầy thu ngân của một cửa hàng bán thịt ở Strasbourg (Pháp) ghi rõ: "Chúng tôi đang ở trong một tình huống đặc biệt với chi phí cho hoạt động kinh doanh tăng đáng kể từ 7% lên 15% kể từ đầu năm. Và điều này vẫn chưa kết thúc… Vì vậy, chúng tôi buộc phải điều chỉnh một số mức giá của mình cho phù hợp", đây là cách cửa hàng biện minh cho việc nâng giá thịt.

François Cholat, Chủ tịch Công đoàn ngành Công nghiệp thức ăn chăn nuôi Pháp nói: "Không có nguyên liệu thô nào là không tăng giá". Trong 12 tháng qua, các nguyên liệu thô để chế biến thức ăn chăn nuôi tăng trung bình là 30%.

Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã chuyển mức tăng giá cho các nhà chăn nuôi, các nhà chăn nuôi cũng đang vật lộn để làm điều tương tự bằng việc tìm cách phân phối sản phẩm của họ với giá cao hơn. Và cuối cùng, chỉ có người tiêu dùng là phải gánh chịu toàn bộ sức ép của giá cả leo thang, lạm phát phi mã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục