Toshiba: Hành trình tìm lại chính mình
Từng là biểu tượng của sức mạnh kinh tế và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, Toshiba đã bị rung chuyển bởi sóng gió trong những năm gần đây. “Gã khổng lồ” công nghiệp Toshiba ra đời vào năm 1875 và là công ty đầu tiên sản xuất máy điện tín ở trung tâm Tokyo.
Trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ vào những năm 1980 của Nhật Bản, Toshiba đã phát triển thành một tập đoàn lớn, với các lĩnh vực kinh doanh từ thang cuốn, thiết bị sản xuất chip, máy tính xách tay cho đến nhà máy hạt nhân. Hành trình phát triển của tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản này đã trải qua không ít những thăng trầm và gắn liền những dấu mốc đáng chú ý.
Năm 2015, Toshiba đã vướng phải bê bối kế toán tài chính. Toshiba đã phải rút lại dự báo lợi nhuận do những vấn đề kế toán của một số dự án cơ sở hạ tầng. Một ban điều tra phát hiện ra rằng các lãnh đạo cấp cao của Toshiba đã gây áp lực với cấp dưới "nhúng tay để làm đẹp số liệu kinh doanh" bằng cách "thổi phồng" lợi nhuận một cách có hệ thống khoảng 1,2 tỷ USD từ năm 2008 đến năm 2014, che đậy những kết quả kinh doanh yếu kém.
Khi vụ việc bị phanh phui, Chủ tịch công ty và các giám đốc điều hành hàng đầu của Toshiba đã từ chức, trong khi giá cổ phiếu lao dốc và hàng nghìn việc làm bị cắt giảm. Đây cũng được xem là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ngay sau đó, Toshiba đã phải bán tháo tài sản vào năm 2016. Khi Toshiba vẫn chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và thảm họa hạt nhân Fukushima 2011, vụ bê bối trên đã giáng một đòn mạnh vào đơn vị sản xuất điện nguyên tử chủ chốt của Toshiba. Trong nỗ lực tìm cách phục hồi, Toshiba đã giải tán các hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn bị lỗ ròng kỷ lục khoảng 4,4 tỷ USD trong năm tài chính 2015-2016.Đến năm 2017, công ty Westinghouse Electric tại Mỹ của Toshiba, công ty có công nghệ được sử dụng trong khoảng 50% số lò phản ứng nguyên tử trên thế giới, thông báo phá sản chủ yếu do chi phí tăng vọt. Do thiếu vốn tài chính, Toshiba đã buộc phải bán mảng kinh doanh chip nhớ của mình, chiếm khoảng 1/4 doanh thu hàng năm.Dù vậy, Tập đoàn này vẫn công bố khoản lỗ ròng 8,8 tỷ USD trong năm tài chính 2016-2017 và đối mặt với "ê chề" khi bị hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE). Sau đó, Toshiba tiến hành huy động được 5,3 tỷ USD vốn mới với các nhà đầu tư hoạt động nước ngoài, lúc này Toshiba chỉ được giao dịch ở thị trường bảng 2 (Second Section) dành cho các công ty có quy mô trung bình của TSE.
Năm 2018, sau nhiều tháng "vật lộn", Toshiba đã hoàn tất thương vụ bán mảng kinh doanh chip nhớ, được xem là “cây hái tiền” của mình cho một nhóm nhà đầu tư do nhà đầu tư Mỹ Bain Capital đứng đầu trị giá 21 tỷ USD. Toshiba vẫn giữ 40% cổ phần trong mảng kinh doanh chip, được đổi tên thành Kioxia. Thỏa thuận này được cho là rất quan trọng để giữ cho Toshiba duy trì hoạt động, ngay cả khi Toshiba tuyên bố không còn nợ nần khi nhượng lại tài sản và các khoản nợ liên quan đến Westinghouse.Trong giai đoạn 2019-2020, Toshiba đã giải quyết các vấn đề tài chính và tăng cường hoạt động quản trị. Tuy nhiên, tập đoàn phải đối mặt với áp lực từ các cổ đông, những người muốn thấy sự tăng trưởng nhanh hơn và một chiến lược dài hạn rõ ràng hơn.
Đến năm 2021, sau khi được niêm yết trở lại trên Bảng 1 (First Section) dành cho các công ty lớn của TSE, Toshiba cho biết đã nhận được đề nghị mua lại từ quỹ đầu tư tư nhân CVC Capital Partners. Vào giữa tháng 4/2021, trong một động thái bất ngờ, Giám đốc điều hành Toshiba Nobuaki Kurumatani, người trước đây làm việc cho CVC, đã từ chức. Ông này khẳng định quyết định đó không liên quan đến đề nghị mua lại trên, mà sau đó đã bị hủy bỏ.Tháng 2/2022, Toshiba đã công bố kế hoạch tách mảng thiết bị, thay đổi đề xuất tách thành ba công ty đã được công bố vào tháng 11/2021 nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nhà đầu tư. Một cuộc bỏ phiếu của cổ đông về việc phân tách Toshiba được ấn định vào cuối tháng 3/2022, song vào ngày 1/3, Giám đốc điều hành mới của tập đoàn Satoshi Tsunakawa đã tuyên bố từ chức sau chưa đầy một năm làm việc. Toshiba thông báo ông Tsunakawa, 66 tuổi, từ chức sau cuộc họp hội đồng quản trị vào ngày 1/3, và ông Taro Shimada, trưởng bộ phận điều hành văn phòng và phó chủ tịch cấp cao của Toshiba, sẽ kế nhiệm.Thương hiệu Toshiba hiện nay sẽ tồn tại dưới danh nghĩa công ty Toshiba Tec Corporation, đơn vị cung cấp máy in, bộ mã vạch và thiết bị bán hàng. Một bộ phận khác trở thành công ty Device Co., kế thừa mảng kinh doanh bán dẫn của Toshiba, bao gồm thành phẩm và dây chuyền sản xuất, cùng với mảng kinh doanh ổ cứng.Hiện tại doanh thu của Toshiba trên lĩnh vực này vào khoảng 6,7 tỷ USD/năm. Công ty con thứ ba mang tên Infrastructure Service Co., tham gia lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện, năng lượng tái tạo, các giải pháp cơ sở hạ tầng công cộng, đường sắt, giải pháp tiết kiệm năng lượng, công nghệ thông tin cho chính phủ và doanh nghiệp.
Việc chia tách của Toshiba sẽ bắt đầu diễn ra vào đầu năm 2023. Hai năm sau chia tách, ba công ty nêu trên sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với quyết định này, Toshiba đã trở thành “ông lớn” đầu tiên ở Nhật Bản được chia tách hoàn toàn.Chia sẻ về quyết định của Toshiba với hãng Bloomberg News vài ngày trước đó, ông Satoshi Tsunakawa cũng cho rằng chia tách là cách tốt nhất để có thể tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản cũng "băn khoăn" phần nào về khả năng duy trì hoạt động nghiên cứu về công nghệ bán dẫn và công nghệ hạt nhân của Toshiba sau khi tách thành ba doanh nghiệp quy mô nhỏ./.- Từ khóa :
- toshiba
- nhật bản
- cơ cấu doanh nghiệp
- hồ sơ doanh nghiệp
Tin liên quan
-
Chuyển động DN
CEO Toshiba từ chức trước thềm cuộc họp về cơ cấu lại doanh nghiệp
13:48' - 02/03/2022
Toshiba thông báo ông Tsunakawa, 66 tuổi, từ chức sau cuộc họp hội đồng quản trị ngày 1/3, và ông Taro Shimada, trưởng bộ phận điều hành văn phòng và phó chủ tịch cấp cao của Toshiba, sẽ kế nhiệm.
-
Chuyển động DN
Toshiba dự định chia tách thành hai công ty
15:09' - 07/02/2022
Hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản Toshiba Corp ngày 7/2 thông báo hãng có ý định chia tách làm hai công ty mới thay vì ba như kế hoạch trước đây.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.