Toyota tạm dừng hoạt động sản xuất tại Nhật Bản do bão Shanshan

22:00' - 28/08/2024
BNEWS Toyota cho biết sẽ ngừng hoạt động tại tất cả các nhà máy của mình từ chiều ngày 28/8 đến sáng 29/8, sau đó sẽ quyết định có sản xuất trở lại hay không.

Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota Motor ngày 28/8 cho biết sẽ tạm thời đình chỉ hoạt động 28 dây chuyền sản xuất tại tất cả 14 nhà máy của mình tại Nhật Bản, bao gồm cả các công ty thành viên, do một cơn bão mạnh được dự đoán sẽ đổ bộ vào nước này trong những ngày tới.

 

Toyota cho biết sẽ ngừng hoạt động tại tất cả các nhà máy của mình từ chiều ngày 28/8 đến sáng 29/8, sau đó sẽ quyết định có sản xuất trở lại hay không. Toyota cho biết một số nhà máy vẫn đang hoạt động đến cuối chiều hôm nay.

Đây sẽ là lần đình chỉ sản xuất đầu tiên của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này kể từ lần đình chỉ vào tháng 8/2023 do một lỗi trong hệ thống đặt hàng phụ tùng của công ty. Toyota cho biết đã xem xét sự an toàn của nhân viên và các nhân sự liên quan, cũng như khả năng thiếu hụt phụ tùng do bão gây ra, khi đưa ra quyết định nói trên.

Ngày 28/8, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ban bố cảnh báo bão đặc biệt nguy hiểm đối với đa số các khu vực của tỉnh Tây Nam Kagoshima khi cơn bão mạnh Shanshan áp sát khu vực này. Cảnh báo đặc biệt này được ban bố trong trường hợp nguy cơ bão lớn bất thường xảy ra. Năm 2022, JMA đã lần đầu tiên phát cảnh báo đặc biệt đối với Kagoshima khi bão Nanmadol tiến gần.

JMA cho biết khả năng cũng sẽ đưa ra các cảnh báo khẩn cấp riêng rẽ do mưa lớn đối với cả tỉnh Kagoshima và Miyazaki. Theo cơ quan này, bão đang di chuyển theo hướng Bắc về phía Nam đảo Yakushima ngoài khơi tỉnh Kagoshima và được dự báo đổ bộ vào đảo chính Kyushu ở Tây Nam Nhật Bản trong ngày 29/8.

Bão Shanshan có sức gió giật mạnh lên tới 252 km/h và gây mưa lớn trên diện rộng. JMA khuyến cáo người dân sẵn sàng ứng phó trước nguy cơ gió mạnh và sóng cao.

Trước tình hình bão Shanshan sắp đổ bộ, cùng ngày 28/8, hãng hàng không Japan Airlines đã hủy một số chuyến bay quốc tế đến và đi từ sân bay Nagoya Chubu và Osaka Kansai. All Nippon Airways ngày 28/8 cho biết sẽ hủy các chuyến bay quốc tế dự kiến sẽ hạ cánh hoặc khởi hành từ Sân bay Kansai của Osaka vào ngày 30/8. Một số chuyến bay nội địa và dịch vụ tàu hỏa cũng bị ảnh hưởng.

Trước đó, Toyota cuối tháng 7/2024 thông báo đã bán được 5,16 triệu xe trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2024, vượt qua đối thủ Volkswagen AG của Đức, để giữ vững ngôi vị dẫn đầu về doanh số bán ô tô trên toàn cầu trong năm thứ 5 liên tiếp.

Tuy nhiên, doanh số bán hàng toàn cầu giai đoạn từ tháng 1-6/2024 của Toyota, tính cả doanh số của các công ty con trực thuộc tập đoàn Toyota, là Daihatsu Motor Co. và Hino Motors Ltd., đã giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân xuất phát từ vụ việc một số chi nhánh con của tập đoàn đã buộc phải ngừng sản xuất do một loạt vụ bê bối chất lượng và doanh số bán hàng chậm chạp tại Trung Quốc - một trong những thị trường hàng đầu của Toyota.

Trong khi đó, báo cáo của Volkswagen cho biết, hãng này đã bán được 4,35 triệu xe trong nửa đầu năm 2024, giảm so với con số 4,37 triệu xe của cùng kỳ năm trước.

Nếu không tính hai thương hiệu con Daihatsu và Hino, tổng số xe bán được của Toyota nửa đầu năm nay là 5,07 triệu chiếc, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, doanh số bán hàng tại thị trường nội địa của Toyota đã tăng mạnh 32%, lên 823.595 chiếc và doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 3,1% lên 4,34 triệu xe, nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, Toyota lại đang gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, với doanh số bán hàng của các thương hiệu Toyota và dòng xe Lexus cao cấp giảm 10,8%. Cạnh tranh về giá đang gia tăng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô địa phương ồ ạt phát triển dòng xe điện giá cả phải chăng.

Ngoài ra, Toyota sẽ xây dựng nhà máy sản xuất pin cho xe điện (EV) ở Kyushu, nằm ở cực Nam của bốn đảo chính của nước này. Mục tiêu của Toyota là biến Kyushu, nơi nhiều nhà máy sản xuất chip và ô tô đang hoạt động, trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng EV và là cơ sở xuất khẩu ra châu Á.

Toyota sẽ mua đất ở một khu công nghiệp đang được chính quyền tỉnh Fukuoka ở phía Bắc Kyushu xây dựng. Chi nhánh sản xuất pin của Toyota là Primearth EV Energy sẽ vận hành nhà máy mới. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dự kiến sẽ hỗ trợ cho nhà máy theo Luật Thúc đẩy An ninh Kinh tế. Kyushu được biết đến là "đảo Silicon" của Nhật Bản và các nhà cung cấp chip và cảm biến hình ảnh dùng cho EV và xe tự lái cũng tập trung tại khu vực này.

Nhà sản xuất chip Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã xây dựng nhà máy tại tỉnh Kumamoto gần đó, cũng tại Kyushu và Toyota là một nhà đầu tư cho chi nhánh tại đây của TSMC.

Khu công nghiệp tại Kyushu cách 40 km từ nhà máy Miyata của Toyota, nơi hãng lắp ráp xe Lexus. Nhà máy này có công suất hàng năm 430.000 chiếc, trong đó 90% được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường ở châu Á.

Nhà máy mới dự kiến là nguồn cung cấp pin chính cho nhà máy Miyata. Các quyết định cụ thể về kế hoạch xây dựng và số vốn đầu tư vẫn chưa được quyết định.           

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục