TP.HCM áp dụng giấy đi đường mới: Siêu thị quá tải đơn hàng, nhiều tuyến đường vắng vẻ

19:23' - 27/08/2021
BNEWS Khi không có giấy đi đường do Công an Thành phố Hồ Chí Minh cấp, người dân đã phải quay đầu ngay từ chốt đầu tiên là ban quản lý các khu dân cư, khu chung cư, lực lượng dân quân tự vệ tại khu phố.

Để có thể khống chế mức độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 tại Tp. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã có quyết định vừa áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vừa siết chặt lưu thông các phương tiện trên địa bàn thành phố bằng giấy đi đường mới có mã code QR do Công an Thành phố Hồ Chí Minh cấp cho các đơn vị từ ngày 23/8 - 6/9/2021.

Đồng thời, UBND Thành phố cũng thực hiện giải pháp đi chợ hộ để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân.

Siêu thị quá tải

Để hạn chế người dân ra ngoài mua thực phẩm, tụ tập đông người, đội ngũ giao hàng, vận chuyển hàng hóa cho các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ lưu thông trên đường, Tp. Hồ Chí Minh triển khai chương trình đi chợ hộ. Theo đó, mỗi hộ được đăng kí 1 lần/tuần với các siêu thị hoặc đội ngũ hỗ trợ của các đơn vị hành chính như khu phố, phường tại nơi cư trú.

Theo ông Đỗ Tiến Đằng, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, hiện địa phương đang triển khai phương pháp đi chợ hộ, giúp người dân trong khu vực phường Phước Long B đảm bảo có đủ thực phẩm, yên tâm giãn cách, ứng phó dịch bệnh.

UBND phường Phước Long B cũng đã kết nối với 3 hệ thống siêu thị trên địa bàn phường gồm Vinmart, Coop Food, Bách Hóa Xanh để tạo mẫu đặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm.

Mỗi siêu thị có 1 khung giờ đặt hàng trong ngày, Bách Hóa Xanh đặt hàng từ 6 - 8 giờ sáng, 8 - 9 giờ tối. Siêu thị Vinmart đặt hàng từ 1 - 5 giờ chiều. Riêng đặt hàng tại Coop Food, lực lượng tình nguyện của phường nhận đơn của người dân rồi gửi đến siêu thị nên các hộ dân đều có thể lựa chọn khung giờ.

Từ ngày 24/8, người dân đã bắt đầu lên đơn đặt hàng. Người có thể nhận hàng ngay ngày hôm sau nhưng cũng có người chờ đến 2 ngày vẫn chưa nhận được phản hồi của nhân viên siêu thị.

Chị Lê Ngọc Thủy ở khu phố 2, phường Phước Long B chia sẻ, chị và vài người trong khu chị ở phải canh giờ đặt hàng tại siêu thị Bách Hóa Xanh. Vừa đúng khung giờ, chị nhanh chóng mở mẫu đặt hàng, điền nhanh các món hàng đã được ghi sẵn, sau đó gửi đi và không được sửa đơn hàng. Hôm sau, chị và những người làm đúng yêu cầu đều nhận được hàng hóa thông qua lực lượng tình nguyện viên đi chợ hộ của phường Phước Long B.

Tuy nhiên, bên cạnh những người dân có thể chốt đơn hàng nhanh, nhận được hàng thì cũng có nhiều người đặt hàng nhưng 2 ngày sau vẫn chưa có hồi âm từ hệ thống siêu thị.

Trả lời về vấn đề này, đại diện siêu thị Bách Hóa Xanh cho biết, hiện các siêu thị Bách Hóa Xanh trên địa bán phường Phước Long B đều có các nhóm zalo để người dân tham gia đặt hàng. Tuy nhiên, vì lực lượng nhân viên siêu thị hiện nay rất ít, không thể phục vụ hết cho 1.000 đơn hàng/khung giờ nên đã có sự chậm trễ trong việc xử lý đơn hàng.

Bên cạnh đó, nhiều người đặt hàng theo mẫu xong báo chỉnh sửa món hàng trong nhóm khiến cho nhân viên nhận đơn khó quản lí đơn. Đối với những ai đặt hàng sai mẫu yêu cầu, lại yêu cầu chỉnh sửa món hàng, siêu thị sẽ hủy đơn đó để xử lý cho những người tiếp theo. Đối với những người đặt hàng đúng mẫu, không có sự thay đổi, nhân viên siêu thị xử lý rất nhanh, đồng thời tiến độ giao hàng cũng nhanh.

Giảm 70% phương tiện lưu thông

Sau khi áp dụng giấy đi đường mới, theo khảo sát tại các chốt kiểm tra lưu thông quận Bình Thạnh, quận 8, huyện Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường giảm rõ rệt. Theo đó, có nơi giảm 70% phương tiện lưu thông, có nơi giảm 90% phương tiện lưu thông.

Tại chốt kiểm soát phương tiện lưu thông Phạm Hùng – Nguyễn Văn Linh, quận 7, những phương tiện lưu thông để ra, vào trung tâm giảm hẳn so với trước ngày 23/8.

Đại diện Công an huyện Bình Chánh cho biết, hiện phương tiện lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh chỉ còn 167 phương tiện/ca trực. Hầu hết những phương tiện lưu thông trên tuyến đường này là vận chuyển hàng hóa, đều có giấy đi đường do Công an Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Tại chốt kiểm soát lưu thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương, tuyến đường chính lưu thông vào trung tâm thành phố từ thành phố Thủ Đức, quận Bình Thạnh, lưu lượng xe cũng giảm hẳn so với trước ngày 23/8. Nhiều trường hợp lưu thông qua tuyến đường này không được lưu thông vào Thành phố do chỉ trình được giấy đi đường cũ hoặc giấy đi đường của Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Nhiều trường hợp trình bày hình ảnh giấy đi đường mới do chưa thể nhận được cũng không thể lưu, Thượng úy Nguyễn Quang trung, công an quận Bình Thạnh chia sẻ.

Khi không có giấy đi đường do Công an Thành phố Hồ Chí Minh cấp, người dân đã phải quay đầu ngay từ chốt đầu tiên là ban quản lý các khu dân cư, khu chung cư, lực lượng dân quân tự vệ tại khu phố.

Đây là giải pháp cấp bách được UBND Thành phố áp dụng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giảm số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, giúp ứng phó dịch bệnh nhanh chóng, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường trong 15 ngày.

Song với cách thức này, Thành phố Hồ Chí Minh, các hiệp hội ngành hàng sẽ phải chịu tổn thất kinh tế ở một mức nào đó. Bởi không có giấy đi đường cho các hiệp hội ngành hàng sẽ gây ra trở ngại ách tắc lưu thông hàng hóa xuất khẩu. Các đơn hàng phải giao trong thời gian từ 23/8 đến hết tháng 9/2021 sẽ bị hủy, chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời gian để ứng phó dịch bệnh.

Khi đứng giữa sự lựa chọn ngắn hạn và lâu dài, sức khỏe và kinh tế, người dân Tp. Hồ chí Minh đã đồng lòng chịu “thắt lưng, buộc bụng” để cùng chính quyền ứng phó dịch bệnh COVID-19, đưa cuộc sống của người dân Thành phố trở lại bình thường như trước đây./.

>>Tp Hồ Chí Minh: Siêu thị đã sẵn sàng hàng hóa nhưng vướng khâu vận chuyển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục