Tp Hồ Chí Minh: Siêu thị đã sẵn sàng hàng hóa nhưng vướng khâu vận chuyển

15:43' - 24/08/2021
BNEWS Sau 2 ngày Tp Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường, tình hình cung cấp thực phẩm cho người dân tại các hệ thống bán lẻ vẫn gặp nhiều vướng mắc trong khâu vận chuyển.

Sáng 24/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã kiểm tra việc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc cung ứng thực phẩm để đảm bảo chủ trương “ai ở đâu ở đó”.

Đoàn công tác đã tới kiểm tra kho hàng tổng lớn nhất của hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ tại Q.7, TP.Hồ Chí Minh. Tại đây, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã nghe báo cáo nhanh tình hình chuẩn bị hàng hóa nhu yếu phẩm và một số vướng mắc doanh nghiệp bán lẻ này đang gặp phải.

Trong buổi kiểm tra sáng nay, Phó Thủ tướng và đoàn công tác biểu dương việc chuẩn bị dự trữ nguồn hàng phong phú, dồi dào của Công ty VinCommerce và nhấn mạnh thêm việc đảm bảo giá cả ổn định phục vụ nhân dân trong mọi diễn biến dịch bệnh.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để thực hiện phương án cung ứng hàng hóa mới cho Tp. Hồ Chí Minh, các hệ thống siêu thị đã soạn sẵn các combo hàng hóa phân theo mức giá trị của gói hàng hoặc theo các loại hàng hóa như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng gia dụng và sẵn sàng phối hợp với chính quyền các địa phương để cung ứng hàng hóa cho người dân. 
Một số siêu thị vẫn nhập số lượng hàng bình thường để phục vụ người dân hoặc nghe ngóng sức mua của người dân để nhập hàng. Đáng lưu ý, trong 2 ngày trước khi thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, nhiều người dân đã đi mua hàng tích trữ nên dự kiến nhu cầu đặt hàng trong tuần này có thể chưa tăng cao.
Tuy nhiên, việc giao hàng tới các hộ dân cư chưa thực hiện tốt, các hệ thống phân phối chỉ cung cấp khoảng 10 - 20% lượng hàng hóa hiện có trong ngày 23/8 do trước khi thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, nhiều người dân đã đi mua hàng tích trữ.
Ngoài ra, các phường, xã chưa lấy giấy yêu cầu mua hàng của người dân; chưa có sự phối hợp giữa địa phương, lực lượng tăng cường và các hệ thống phân phối bán lẻ… Điều này có thể dẫn tới việc hệ thống phân phối bán hàng sẽ hạn chế lượng hàng hoá nhập về trong những ngày tới.

Theo khuyến cáo của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối, thông báo nhu cầu đặt hàng để hệ thống phân phối có kế hoạch nhập hàng đầy đủ.

Mặt khác, khâu lưu thông hàng hóa vẫn gặp khó khăn do giấy phép đi đường cho nhân viên của các hệ thống phân phối không cấp kịp, một số nhà cung ứng của hệ thống phân phối gặp khó khăn do không xin được giấy đi đường cho nhân viên và hệ thống vận chuyển, gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Hiện tại, nhiều nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đã và đang chủ động liên hệ với UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện và thậm chí với cấp phường, xã để phối hợp triển khai "đi chợ hộ" người dân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. 
Ngoài ra, các thương hiệu bán lẻ hiện đại như Satra, MM Mega Mart, Aeon, Emart... đang triển khai hướng dẫn của sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh bán lẻ qua hình thức đơn hàng combo được thiết kế đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cơ bản và phục vụ bữa ăn hàng ngày cho người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, một số đơn vị cho biết, trong những ngày đầu thực hiện "đi chợ hộ" vẫn còn gặp không ít thách thức về tổ chức cung ứng, phân phối và giao hàng đến nhà dân. 
Trong khi đó, đơn hàng qua kênh điện thoại và online của nhiều đơn vị tăng mạnh, nhưng khâu trả đơn hàng bị ách tắt do thiếu nguồn nhân lực và hầu hết đang thực hiện kinh doanh "3 tại chỗ".

Đại diện VinCommrece cho biết, từ đầu mùa dịch, dù nhiều khó khăn nhưng Công ty VinCommerce vẫn luôn giữ giá cả bình ổn đến khách hàng. Với vai trò là nhà phân phối bán lẻ, để giữ được bình ổn giá, doanh nghiệp rất cần sự phối hợp chung tay từ nhiều đơn vị cung cấp. Từ đó, VinCommerce cũng đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp lớn để cùng nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa và giá cả ổn định.

Hiện nay, gần 500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ tại TP.Hồ Chí Minh đã tăng gấp 4 – 5 lần lượng hàng hóa thiết yếu so với thời điểm đầu tháng 8 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.

Ghi nhận sơ bộ trong ngày 23 và 24/8, lượng khách đến mua sắm trực tiếp giảm mạnh do quy các quy định phòng dịch khắt khe được tăng cường. Các đơn hàng qua kênh đặt hàng trực tuyến và qua điện thoại tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, VinMart/VinMart+ chưa giao được hàng đến tay người tiêu dùng do nhân viên của hệ thống không được phép đi giao hàng.

Hiện, doanh nghiệp này đã chuẩn bị đầy đủ các phương thức bán hàng đa kênh phù hợp với tình hình của thành phố như: đặt hàng trực tuyến qua website https://vinmart.com/ hoặc https://dicho.winmart.vn/, qua điện thoại, Zalo...  

Ngoài ra, hệ thống siêu thị/cửa hàng VinMart/VinMart+ cũng phối hợp với từng khu vực cụ thể để nắm bắt nhu cầu mua sắm thực tế của người dân. Từ đó, đưa ra các gói sản phẩm thiết yếu phù hợp, tiện lợi.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, hệ thống bán lẻ này đang phối hợp với chính quyền địa phương về phương án giao nhận đơn hàng cho người dân, cũng như triển khai "đi chợ hộ". 
Cụ thể, đại siêu thị Big C/ Go! có thể cung ứng hàng hóa liên quận dựa trên sự kết nối với tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Còn siêu thị Topsmarket cung ứng hàng hóa đến các phường và phường sẽ giao nhận đến người dân trên địa bàn dân cư với hình thức phù hợp.
Bà Đỗ Thị Dậu, Giám đốc Satramart siêu thị Sài Gòn cảnh báo, hiện nay việc bán hàng được triển khai thông qua phường, do đó người dân không nên đặt hàng ở đường link nào khác để tránh bị lừa. 

Hệ thống bán lẻ của Satra gồm: 3 Satramart và hơn 100 cửa hàng Satrafoods tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 16 giờ 30 hàng ngày, thực hiện kinh doanh “3 tại chỗ”. 
Hệ thống kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thức “đi chợ hộ” của Tổ COVID-19 cộng đồng.
Ghi nhận ý kiến nhiều người dân khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện đang chờ đợi chính quyền địa phương triển khai "đi chợ hộ" tại địa bàn dân cư. Đồng thời, thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” và hạn chế mua sắm tại những kênh bán hàng tự phát để đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu, sở, ngành phối hợp với chính quyền thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai đồng bộ và huy động nguồn lực từ các cấp, ngành cùng tham gia phân phối hàng hoá thiết yếu cho người dân. 
Bên cạnh đó, đảm bảo cung ứng đầy đủ những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên nguyên tắc Tp. Hồ Chí Minh không để người dân nào bị thiếu đói lương thực thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục