TP HCM: Không có việc tràn lan thịt lợn bẩn trên thị trường

20:48' - 04/04/2022
BNEWS Tại buổi họp báo định kỳ ngày 4/4 của Tp Hồ Chí Minh, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố khẳng định không có việc tràn lan thịt lợn bẩn trên thị trường hiện nay.

Chiều tối ngày 4/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình kinh tế trên địa bàn thành phố.

Nhiều nội dung liên quan việc phát hiện một số cơ sở kinh doanh tiêu thụ thịt lợn bẩn không rõ nguồn gốc trên địa bàn Thành phố; về bảng giá mới của các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường và tình hình thu phí cảng biển được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.

 

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mới đây, báo chí đã phản ánh về một đường dây cung cấp thịt lợn bẩn được cho là xuất phát từ các lò mổ tại Thành phố Hồ Chí Minh như Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), lò mổ tập trung Xuyên Á và một số lò mổ lợn lậu.

Khi nhận được thông tin vụ việc, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành chức năng tìm hiểu, rà soát lại quy trình kiểm định, đồng thời xem xét kỷ luật các cán bộ thú y liên quan.

Qua kiểm tra đột xuất của lực lượng chức năng, trong 5 hộ kinh doanh cá thể được phản ánh tiêu thụ thịt lợn bẩn, có hai hộ hoàn toàn không còn kinh doanh thịt heo.

Hai cơ sở tại huyện Hóc Môn đã phát hiện 953kg thịt lợn bẩn, bị lực lượng chức năng đã xử phạt 50 triệu đồng và toàn bộ số thịt lợn bẩn đã bị tiêu hủy. Còn một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường 25, quận Bình Thạnh đã bị Ủy ban nhân dân phường xử phạt do không trình được giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ của thịt lợn đang được bày bán.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện công tác giết mổ thịt lợn được phân cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thịt lợn được giết mổ, đưa ra thị trường thì mới thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố.

Việc chia cắt khiến khâu giám sát không hiệu quả. Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã báo cáo với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để cùng có cơ chế quản lý, giám sát chứ không phó mặc toàn bộ khâu chăn nuôi, giết mổ cho ngành nông nghiệp thành phố.

"Nếu lợn không bảo đảm chất lượng ngay từ ban đầu mà đợi đến khi được đưa ra thị trường mới phát hiện vấn đề thì toàn bộ quá trình quản lý sau đó là vô nghĩa", bà Lan nhận định.

Bà Lan chia sẻ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố vẫn túc trực, kiểm tra thông tin về truy xuất nguồn gốc của từng xe vận chuyển lợn vào thành phố. Hầu như đêm nào cũng phát hiện thịt lợn không bảo đảm chất lượng, bị bắt tại chỗ và tiêu hủy. Song song đó, Ban cũng quản lý qua công tác kiểm tra các cơ sở tiêu thụ thịt heo.

Ngoài ra, Ban Quản lý cũng có hình thức kiểm tra gián tiếp từng địa bàn có cơ sở kinh doanh thịt lợn với sự phối hợp của đội quản lý an toàn thực phẩm địa phương và lực lượng liên ngành của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Bà Lan cũng khẳng định không có việc tràn lan thịt lợn bẩn trên thị trường hiện nay. Điều này được chứng minh bằng số lượng mẫu thịt lợn được các ngành chức năng kiểm tra định kỳ, qua đó cho thấy thông số về độ nhiễm khuẩn và các tiêu chí an toàn khác vẫn trong giới hạn cho phép. 

Bà Lan hy vọng công chúng không nên vì một vụ việc mà kết luận thịt lợn  bẩn đang tràn lan trong thành phố. Bên cạnh đó, bà Lan khuyến cáo người dân nên mua thực phẩm, đặc biệt là thịt heo, tại các cơ sở kinh doanh hợp pháp, uy tín.

Liên quan đến bảng giá hàng hóa vừa được cập nhật, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên cơ sở bảng giá mới của các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 đã được công bố, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức kiểm tra trong công tác quản lý điều hành bình ổn thị trường. Công tác kiểm tra này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, Sở Công thương đề nghị Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra quản lý thị trường, theo dõi sát diễn biến của các mặt hàng thiết yếu, trong đó chú trọng đến xăng dầu, thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tình hình biến động thị trường găm hàng, trục lợi bất chính.

Ngoài ra, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố đưa ra các chương trình chiết khấu nhằm giảm giá hàng hoá, giảm áp lực hàng hoá tăng lên do tình hình biến động như đã thấy từ đầu năm.

Đối với các chợ truyền thống như chợ An Đông, chợ Bến Thành đang gặp tình cảnh đìu hiu vắng khách, bà Ngọc cho biết, từ khi bắt đầu thực hiện phục hồi hồi kinh tế, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã vận động đưa các chợ truyền thống sau giai đoạn tạm ngưng kinh doanh do dịch bệnh đi vào hoạt động trở lại.

Đến nay, khoảng 92% các chợ đã đi vào hoạt động, còn lại một số chợ do xuống cấp phải tạm ngưng để sửa chữa. Một số chợ vắng khách là do trong thời gian Thành phố giãn cách chống dịch, một số tiểu thương đã chuyển từ buôn bán trực tiếp sang trực tuyến và đến nay vẫn duy trì hình thức này. Để phục hồi hoạt động cho các chợ truyền thống, Sở Công Thương đã định hướng các chợ xây dựng những phương thức phù hợp với tình hình mới.

Liên quan đến vấn đề thu phí cảng biển vừa được triển khai, ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến 15 giờ 30 ngày 4/4, hệ thống thu phí cảng biển tại Thành phố ghi nhận tổng cộng hơn 6.780 doanh nghiệp tham gia đăng ký nộp phí với số lượng hơn 16.500 tờ khai.

Đối với hàng nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu, mức thu phí cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh là 2,2 triệu đồng/container kích thước 20 feet; 4,4 triệu đồng/container kích thước 40 feet và 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Đối với hàng xuất, nhập khẩu mở tờ khai ngoài Thành phố, mức phí là 500.000 đồng/container 20 feet, 1 triệu đồng/container 40 feet và 30.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Tổng số tiền phải thu là hơn 26,2 tỷ đồng, tuy nhiên, thành phố mới thu về gần 12 tỷ đồng (thu phí trong thành phố chiếm 4,5 tỷ đồng, ngoài thành phố là 7,4 tỷ đồng).

Theo ông Bùi Hoà An, đây không phải là vấn đề đáng lo vì khi mở tờ khai hải quan, doanh nghiệp có thể lựa chọn đóng phí ngay hoặc để sau khi hàng hoá bắt đầu di chuyển về các kho mới nộp tiền. Do đó, gần 12 tỷ đồng là số tiền thực tế đã thu, số còn lại chắc chắn khi nào hàng di chuyển, doanh nghiệp sẽ nộp phí.

Đối với các doanh nghiệp đã làm tờ khai thu phí nhưng chưa kịp nộp tiền, xe chở hàng của doanh nghiệp vẫn được phép ra cảng bình thường. Hải quan và cảng vụ sẽ tiến hành đối soát và gửi thông báo chưa đóng phí cho doanh nghiệp.

"Đến thời điểm này, có thể đánh giá là hệ thống thu phí hoạt động ổn định, thông suốt, không xảy ra ùn tắc tại các cửa ngõ, đảm bảo cho các doanh nghiệp tham gia vận hành chính thức", ông An cho biết.

Kế hoạch thu phí hạ tầng cảng biển trước đó được Thành phố Hồ Chí Minh dự tính triển khai từ 1/7/2021, tuy nhiên do dịch COVID-19 nên phải lùi lại đến tháng 10/2021 rồi tiếp tục dời đến đầu tháng 4 năm nay. Tính toán của Sở Giao thông Vận tải Thành phố đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.

Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng. Theo kế hoạch, đến năm 2025 có 14 dự án được Thành phố ưu tiên bố trí vốn từ nguồn thu phí cảng biển như Vành đai 2, nút giao Mỹ Thủy, các công trình quanh cảng Cát Lái.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục