TP.HCM thu hút được hơn 3 tỷ USD vốn FDI trong nửa đầu năm 2019

15:40' - 11/07/2019
BNEWS Theo thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm hơn 41%; tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 21,9%...
Đại lộ Nguyễn Văn Linh cạnh Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019, tính chung cả vốn thu hút đăng ký đầu tư mới và qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố đã thu hút được 3,21 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 598 dự án với tổng vốn đầu tư đạt hơn 539 triệu USD, (tăng 15,8% số dự án cấp mới và tăng 3,6% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Trong số dự án trên, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp Thành phố cấp 16 dự án, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố cấp 1 dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 581 dự án.

Theo thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm hơn 41%; tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 21,9%; bán buôn và bán lẻ, sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 19,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 5,8%...

Mặt khác, trong 6 tháng qua, có 145 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 300 triệu USD. So với cùng kỳ, tăng 22,8% số dự án điều chỉnh và bằng 81,6% vốn đầu tư. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Thành phố cũng chấp thuận cho 2.307 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn góp đăng ký tương đương 2,37 tỷ USD, tăng 26,3% về số trường hợp và tăng 32,6 về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2018.

Đánh giá chung về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng khả quan trên, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp.Hồ Chí Minh cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư đã được thành phố triển khai từ đầu năm.

Điều này góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, tăng tỉ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tăng trưởng sức hút đầu tư và cải thiện rõ rệt niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước ào môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố. Tạo điều kiện góp phần thúc đẩy tình hình đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, theo phân tích của lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh, tuy có tăng về số dự án và số vốn đầu tư, nhưng tính bình quân mỗi dự án đầu tư thời gian qua chỉ đạt dưới 1 triệu USD/dự án. “Các dự án có quy mô rất nhỏ. Ghi nhận từ hơn 1 năm qua, Tp. Hồ Chí Minh chưa có dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nào”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh đánh giá.

Từ thực tế trên, thời gian tới, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc 7 chương trình đột phá, 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 lĩnh vực dịch vụ ưu tiên của thành phố, các dự án thuộc Đề án đô thị thông minh… Ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện với môi trường để tập trung kêu gọi đầu tư.

Cùng với đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, quy trình đầu tư, tạo quỹ đất sạch..

Theo ông Nguyễn Thành Phong, để thực hiện xúc tiến đầu tư hiệu quả, cùng đồng hành với doanh nghiệp, Tổ công tác đầu tư của UBND thành phố duy trì chế độ họp hàng tuần để theo dõi, xử lý tiến độ công việc thường xuyên, đảm bảo giải quyết nhanh chóng các vướng mắc, khó khăn trong công tác đầu tư, cho doanh nghiệp./.

>> 6 tháng, khu chế xuất và khu kinh tế thu hút 8,7 tỷ USD vốn FDI

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục