Tp. Hồ Chí Minh cần 553 tỷ đồng để kiểm soát khí thải xe gắn máy

16:40' - 27/01/2021
BNEWS Để thực hiện lộ trình đến năm 2030 kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, thành phố Hồ Chí Minh cần đầu tư khoảng 553 tỷ đồng để kiểm soát khí thải xe gắn máy.

Ngày 27/1, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện lộ trình đến năm 2030, thành phố cần đầu tư khoảng 553 tỷ đồng để kiểm soát khí thải xe gắn máy.

Chương trình do Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (ITST) thực hiện.

Chương trình đã thực hiện được các mục tiêu đề ra như: đánh giá hiện trạng phát thải của xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố; khảo sát, đánh giá tác động kinh tế xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy tới người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan; xây dựng và đề xuất các giải pháp, chính sách, lộ trình để thí điểm kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông…

Từ tháng 5 - 10/2020, các đơn vị nghiên cứu đã tổ chức kiểm tra khí thải cho 10.862 xe máy, khảo sát điều tra ý kiến của 7.216 người dân thành phố.

Theo kết quả kiểm tra thí điểm 10.682 xe máy, có 1.852 chiếc (chiếm 17,34%) không đạt tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6438-2018 (về phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải) mức 1, có 2.418 xe không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 2 (chiếm 22,64%); trong đó, với 2.740 xe có niên hạn sử dụng từ 10 năm trở lên, có 1.077 xe không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 1 (chiếm 39,31%); 1.169 xe không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 2 (chiếm 42,66%).

Theo ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải), Tp. Hồ Chí Minh hiện có 7,4 triệu xe mô tô, xe máy. Lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm tỉ lệ 67,89 %, lớn hơn tỉ lệ này ở Hà Nội. Nếu thực hiện chính sách kiểm soát khí thải thì hàng năm Tp. Hồ Chí Minh giảm được 13,1 % tổng lượng CO phát thải; 13,8 % tổng lượng HC phát thải...

Về lộ trình, Nhóm nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất giai đoạn 2021-2022, tập trung tuyên truyền đến người dân. Giai đoạn từ 2023-2025, sẽ thí điểm kiểm soát, có thu phí 50.000 đồng/xe/năm khu vực Quận 1, Quận 3, Quận 5.

Sau năm 2025, triển khai khu vực Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 10 và Tân Bình. Sau năm 2027 sẽ kiểm soát 13 quận trung tâm. Xe gắn máy được yêu cầu kiểm soát là xe sử dụng trên 5 năm. Tổng chi phí đầu tư nhân lực, hệ thống kiểm soát khí thải xe máy đến năm 2030 được tính toán khoảng 553 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Trọng Khang, việc kiểm soát sẽ theo khu vực, trước tiên là trung tâm thành phố rồi tiến tới toàn thành phố. Mức phí kiểm tra khí thải đề xuất là 50.000 đồng/xe/năm, trong đó miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo (có xác nhận của địa phương) và có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn khí thải.

Năm 2010 Chính phủ đã ban hành đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” tại Quyết định số 909/QĐ-TTg.

Theo đó, giai đoạn 2010 -2013 triển khai đề án tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và giai đoạn 2013-2015 mở rộng phạm vi thực hiện đề án đến các thành phố loại 1 và loại 2. Tuy nhiên, cho đến nay mục tiêu này vẫn chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc thiếu các quy định pháp lý kiểm định khí thải định kỳ trong Luật dẫn đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành.

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải cũng chưa có.

Theo ông Bùi Hòa An, hiện vẫn đang chờ khung pháp lý, tuy nhiên cơ sở nghiên cứu là nền tảng triển khai các bước tiếp theo trong việc hạn chế khí thải xe máy. Các đơn vị sẽ kiến nghị các bộ ngành sớm ban hành, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, Chương trình cũng là cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và xây dựng lộ trình kiểm định khí thải hợp lý đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục