Tp. Hồ Chí Minh: Chỉ tiếp nhận nguồn thực phẩm từ cơ sở đạt chứng nhận an toàn

18:22' - 10/05/2019
BNEWS Trên cơ sở thí điểm tại 6 quận năm học 2018-2019, dự kiến năm học 2019-2020, Tp. Hồ Chí Minh nhân rộng đến các trường tại 18 quận, huyện còn lại thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học.
Tp. Hồ Chí Minh chỉ tiếp nhận nguồn thực phẩm từ cơ sở đạt chứng nhận an toàn. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, các trường chỉ tiếp nhận, sử dụng nguồn thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố hoặc các cơ sở đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ISO 22000, HACCP...

Thông tin trên được cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2017-2019 do Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/5.

Thành phố hiện có 1.974 trường học từ Mầm non đến Trung học Phổ thông, với 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong các trường. Trong đó, phần lớn là các trường tự tổ chức bếp ăn với 1.280 cơ sở; 112 bếp ăn thuê nấu; 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn; 630 cơ sở căn tin trong trường học. 

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, việc triển khai thí điểm tại 6 quận thực hiện tiếp nhận nguyên liệu từ nguồn thực phẩm đạt chuẩn an toàn (Quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh) với 498 trường tham gia đã đạt được những kết quả tích cực.

Để đáp ứng nhu cầu khi các quận, huyện khác thực hiện tiếp nhận nguyên liệu từ nguồn thực phẩm an toàn, trong thời gian tới, Ban tiếp tục khảo sát, thẩm định, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố, nhằm đa dạng hóa nguồn cung và tăng sản lượng thực phẩm tham gia chuỗi.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Diễm Thu cho biết, qua 2 năm thực hiện triển khai kế hoạch liên tịch giữa Sở và Ban Quản lý An toàn thực phẩm về đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hầu hết các đơn vị đảm bảo tốt an toàn thực phẩm trong trường học. Đội ngũ quản lý, giáo viên, cấp dưỡng được tập huấn đầy đủ nguyên tắc, quy chuẩn về an toàn thực phẩm.

Các trường thực hiện tốt các quy định từ khâu tiếp phẩm, quy trình chế biến, hoàn thiện bữa ăn. Trong thời gian tới, cùng với vai trò kiểm tra của nhà trường, ngành Giáo dục tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò giám sát của phụ huynh, các tổ chức đoàn thể để phòng ngừa tốt nhất nguy cơ xảy ra mất an toàn thực phẩm trong trường học.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, thời gian tới, Ban tiếp tục tăng cường thanh tra kiểm tra xử phạt, tất cả các vi phạm sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, để xã hội giám sát chất lượng bữa ăn và điều kiện cung cấp bữa ăn cho học sinh trong trường học. Đồng thời, công khai các trường tiếp nhận thực phẩm đạt chuẩn.

“Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, các trường cần làm tốt các khâu từ nguồn nguyên liệu, chế biến, bảo quản… như một giải pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm” bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đánh giá, bên cạnh những mặt đạt được, công tác an toàn thực phẩm trong trường học vẫn tồn tại một số hạn chế, như: một số trường diện tích nhỏ nên chưa bố trí được bếp ăn tự tổ chức, chưa bố trí phòng ăn cho học sinh; một số trường phát hiện có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sơ chế và chế biến thực phẩm…

Tình hình ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học có giảm so với các năm trước, cụ thể, năm 2018 có 1 vụ làm 25 học sinh mắc; năm 2017 có 2 vụ làm 26 học sinh mắc, năm 2016 có 2 vụ làm 127 học sinh mắc./.

Xem thêm:

>>Đồng Nai xử phạt hộ kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm 90 triệu đồng

>>Thịt bò Hà Lan và Đan Mạch có cơ hội vào thị trường Hàn Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục